Yêu cầu nêu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi điều hành phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017, sáng 4/5. Đánh giá về tình hình những tháng đầu năm, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức, nhất là khu vực công nghiệp, lĩnh vực khai khoáng và trồng trọt, chăn nuôi.
Thủ tướng nêu thực tế chuyện giá thịt heo hơi rớt thảm vừa qua gây thiệt hại lớn cho nông dân, trong khi giá bán mặt hàng này ngoài thị trường vẫn đứng ở mức cao, siêu thị vẫn bán giá khoảng 100.000 đồng mỗi kg. "Tôi yêu cầu Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Ông cũng yêu cầu các bộ rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ cần có giải pháp ngay để không tái diễn tình trạng rớt giá các mặt hàng nông sản. |
“Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?”, Thủ tướng đặt vấn đề. Ông nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng nhưng trước đó, cần xem xét thị trường tiêu thụ nào cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đó, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất mà không chú ý vấn đề tiêu thụ.
“Các giải pháp quyết liệt cả về phía cung (tăng trưởng ngành, lĩnh vực) và phía cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu ròng) để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đòi hỏi phải nỗ lực và quyết tâm cao hơn”, Thủ tướng nêu rõ.
Từ đầu năm đến nay, người nuôi heo từ Đồng Nai tới các tỉnh phía Bắc "khóc ròng" vì giá heo hơi bán tại chuồng, trại xuống thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 23.000-25.000 đồng một kg, giảm gần 50% so với trước khiến người nuôi lỗ nặng.
Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Nguyễn Xuân Cường cho rằng có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất do nguồn cung lớn hơn cầu, bởi những năm qua mâm cơm của người Việt không còn thành phần chính là thịt lợn mà có thêm các thực phẩm khác như trứng, sữa, thịt gà... Thứ hai là do khâu tổ chức ngành hàng từ sản xuất, chế biến đến tìm kiếm thị trường còn yếu kém, dẫn đến dư thừa và bế tắc đầu ra
Trước thực tế này, Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Sở Tài chính các tỉnh, thành phố về tăng cường biện pháp bình ổn thị trường thịt lợn. Cơ quan này đề nghị các Sở theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát và chủ động tham mưu với chính quyền địa phương có phương án kịp thời bình ổn giá; khuyến khích doanh nghiệp thu mua thịt lợn cho người nuôi với giá hợp lý.
Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y… tính toán và có giải pháp giảm giá bán sản phẩm khi các yếu tố chi phí đầu vào giảm và kê khai giá với cơ quan Nhà nước.
Trong một văn bản gửi đi cuối tháng 4/2017, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các nhà băng căn cứ vào khả năng tài chính miễn, giảm lãi vay, lãi quá hạn… để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi. Khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ngân hàng thương mại cho vay được giữ nguyên nhóm nợ 01 đối với khoản nợ. Trên thực tế, một số ngân hàng cũng đã bắt đầu công bố các gói tín dụng hỗ trợ người sản xuất, chăn nuôi...
Cũng tại cuộc họp Chính phủ, báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy, công nghiệp 4 tháng qua tăng 5,1%, thấp hơn so với cùng kỳ, trong đó khai khoáng tiếp tục suy giảm mạnh. Việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Xuất khẩu nhiều mặt hàng có thế mạnh tăng chậm hoặc giảm trong khi nhập khẩu những mặt hàng trong nước có thể sản xuất lại tăng mạnh. Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng báo cáo rõ, đề xuất cụ thể các giải pháp để phục hồi tăng trưởng công nghiệp theo hướng tái cơ cấu, tập trung vào các ngành chế biến chế tạo, điện, nước, xây dựng...
* Người chăn nuôi điêu đứng khi thịt lợn rớt giá
Anh Minh - Lệ Chi