Cuộc "giải cứu" thịt lợn diễn ra trên cả nước những ngày qua là một trong những nội dung được quan tâm nhất tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/5.
Trả lời câu hỏi của VnExpress về tình hình giá cả và tiêu thụ mặt hàng này, Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Hà Công Tuấn cho biết, bằng nhiều giải pháp, mấy ngày qua giá thịt lợn hơi đã tăng bình quân 5.000 đồng một kg so với thời điểm thấp nhất.
Trong khi đó, giá thịt bán tại các siêu thị cũng đã giảm so với cách đây 10 ngày. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 300.000 – 400.000 tấn thịt lợn đủ tiêu chuẩn chờ xuất chuồng. “Ngành nông nghiệp sẽ cố gắng bằng mọi giải pháp cân bằng cung – cầu trong 2-3 tháng nữa”, ông Tuấn chia sẻ.
Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Hà Công Tuấn cho biết, giá thịt lợn hơi đã tăng thêm 5.000 đồng so với thời gian trước. |
Trước những lo ngại việc nhập khẩu thịt lợn ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho biết trong cả năm 2016, các doanh nghiệp chỉ nhập 39.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan (tương đương 44 triệu USD), chiếm 0,1% sản lượng tiêu thụ nội địa. Kim ngạch hàng tạm nhập tái xuất cũng chỉ khoảng 20 triệu USD, song để tránh thẩm lậu, Ban chỉ đạo 389 đã đề xuất cho ngừng hoạt động này và đã được Chính phủ đồng ý.
Ông Hà Công Tuấn đồng tình khi cho rằng con số tạm nhập tái xuất mặt hàng này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, song trong lúc tiêu thụ nội địa khó khăn thì việc yêu cầu tạm dừng cũng là giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
Tuy vậy, thực tế không chỉ riêng thịt lợn, ngay cả các mặt hàng nông sản, rau củ quả của Việt Nam vẫn khó xuất khẩu sang các nước, trong khi lượng nhập khẩu rất lớn. Lý giải nghịch lý này, Thứ trưởng Công Thương cho biết, trong khu vực, Việt Nam chỉ ký được hiệp định thú y, chứng nhận kiểm dịch với 2 thị trường là Hong Kong (Trung Quốc) và Malaysia. Tuy nhiên, chủ yếu chỉ xuất được sản phẩm lợn sữa (20-30kg một con), sản lượng rất ít. "Vì thế, xuất khẩu thịt lợn chủ yếu vẫn qua đường tiểu ngạch", ông Hải nói.
Năm 2016, 600.000 tấn thịt lợn đã được xuất qua tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc, nhưng từ đầu năm 2017, thị trường này kiểm soát khắt khe chất lượng nên đã ảnh hưởng tới việc xuất khẩu mặt hàng này.
Theo vị này, để tránh xuất khẩu tiểu ngạch, tăng xuất khẩu bằng chính ngạch, việc đầu tiên ngành nông nghiệp cần tăng chất lượng sản phẩm, ký kết kiểm dịch thú y với các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc.
Tại cuộc họp, đề cập tới chuyện tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, thịt lợn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng đánh giá, tuy hiện giờ giá thịt hơi đã nhích lên đôi chút, nhưng vẫn ở mức thấp.
“Nghịch lý là giá thịt hơi xuống nhưng giá thịt trên thị trường vẫn ở mức cao. Tinh thần của Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ vấn đề này”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và yêu cầu ngành nông nghiệp cần rút kinh nghiệm những điểm yếu trong phát triển lĩnh vực này.
“Ngoài hạ giá thành sản xuất, về lâu dài, cần điều chỉnh quy mô, cơ cấu ngành chăn nuôi cho phù hợp với thị trường. Điểm yếu này cần nghiêm túc rút kinh nghiệm”, người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, ông Hà Công Tuấn nêu 3 giải pháp tập trung cả trước mắt, lâu dài để không tái diễn cảnh “giải cứu” đàn lợn thời gian tới. Thứ nhất, giải quyết tốt quan hệ cung cầu, không để đứt quãng; rà soát đảm bảo tổng đàn và quy mô đàn chăn nuôi có cơ cấu hợp lý. Thứ hai là Bộ sẽ có giải pháp kiểm soát lợn nái, tổ chức liên kết chuỗi và lâu dài sẽ đề xuất với Chính phủ không hỗ trợ trực tiếp người chăn nuôi mà sẽ hỗ trợ qua chuỗi. Cuối cùng là mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc để tăng xuất khẩu thịt lợn.
Liên quan tới việc hỗ trợ lãi suất cho người chăn nuôi lợn, ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ của toàn ngành chăn nuôi hiện đạt gần 30.000 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn chiếm 43%, dài hạn là 57% với hơn 506.000 khách hàng đang vay nợ. Trong đó, khoảng 25.000 tỷ đồng là cho vay cá nhân, hộ gia đình.
Cơ quan này cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạm hoãn, giãn thời hạn trả nợ, với thời hạn thích hợp; hỗ trợ lãi suất, xem xét từng trường hợp cụ thể để miễn giảm lãi vay, quá hạn; người dân có nhu cầu chăn nuôi lợn tiếp vẫn có thể vay nhưng phải đảm bảo có lãi.
* Người nuôi lợn điêu đứng vì giá xuống thấp