Tại Hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định thủ tục hành chính ngành Công Thương năm 2016, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã nêu nhiều bất cập trong các quy định hiện hành, điển hình như tại Nghị định 19 về Kinh doanh khí
Thay mặt 44 doanh nghiệp kinh doanh gas tham dự hội nghị, bà Nguyễn Thị Thuỳ Trang đến từ Khánh Hòa cho rằng, điều kiện kinh doanh khí đối với thương nhân phân phối (phần lớn là các doanh nghiệp kinh doanh gas nhỏ) là quá sức với họ. Cụ thể, doanh nghiệp muốn trở thành tổng đại lý phải đáp ứng đủ điều kiện sở hữu, đồng sở hữu hoặc thuê tối thiểu một năm 2.000 chai (bình) khí hóa lỏng - LPG; có hệ thống phân phối gas, gồm cửa hàng bán hoặc trạm cấp, trạm nạp gas và tối thiểu 10 đại lý…
Trong khi đó, đại lý phải lựa chọn, ký hợp đồng làm đại lý cho một tổng đại lý hoặc 3 thương nhân kinh doanh gas đầu mối. “Việc quy định đại lý kinh doanh gas chỉ được ký hợp đồng làm đại lý cho một tổng đại lý hoặc 3 thương nhân kinh doanh gas đầu mối là đã hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp”, vị này quả quyết.
Các doanh nghiệp gas nhỏ lo sẽ phá sản nếu vẫn giữ nguyên quy định về điều kiện kinh doanh khí tại Nghị định 19. |
Các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 19 theo hướng bãi bỏ các điều kiện nêu trên. Ngoài ra, tổng đại lý nếu ký hợp đồng với nhiều thương nhân thì chỉ cần có một kho chứ không nhất thiết mỗi đơn vị phải có một kho 2.000 bình…
Mỗi tháng cung ứng cho thị trường Tây Ninh hơn 25.000 bình gas, ông Trần Trung Nhật - Giám đốc Công ty Gas Thái Dương (Tây Ninh) cho biết quy định hiện tại yêu cầu doanh nghiệp phải có số lượng vỏ bình đến 100.000 và bồn chứa dung tích tối thiểu 300m3.
“Ngành kinh doanh gas, khí chưa đầy 6 năm đã có tới 2 nghị định điều chỉnh, các điều kiện kinh doanh đưa ra định tính, khó hiểu khiến doanh nghiệp suốt ngày phải đi đối phó với chính sách, khổ lắm. Chưa kể, Nghị định 19 can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp, đại lý… Chúng tôi không biết là mình kinh doanh hay cơ quan soạn thảo kinh doanh dùm”, ông Nhật thở dài. Vị này cho rằng những góp ý của doanh nghiệp từ lúc nghị định còn ở bản dự thảo, đã không được tiếp thu một cách đầy đủ.
Không chỉ riêng doanh nghiệp kinh doanh gas như ông Nhật “đứng ngồi không yên”, bà Phạm Thị Hiền Lương - Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tiến (Bình Định) nói thẳng, các điều kiện nêu trên không công bằng với doanh nghiệp nhỏ. Bà Lương tính toán, điều kiện thương nhân phải có tối thiểu 100.000 vỏ bình, phải có bồn chứa 300m3… buộc doanh nghiệp phải đầu tư gần 100 tỷ đồng, chưa kể các chi phí khác về hệ thống nạp, kho chứa và đất đai, nhà xưởng… số tiền quá lớn với một doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, mở rộng thị trường đến đâu thì đầu tư đến đó. Trong khi thị trường tiêu thụ tại địa phương hạn chế mà vẫn bắt doanh nghiệp phải chịu quy định “cứng”, đầu tư lớn thì sẽ rất lãng phí”, bà Lương nêu quan điểm và đề xuất không nên đưa ra con số định lượng cứng, mà nên dựa trên quy mô dân số của địa phương, vùng miền… sẽ sát thực tế, dễ thở hơn.
Tham gia góp ý kiến ông Phạm Ngọc Hùng - Phó chủ tịch Quỹ chống hàng giả tỏ ra khá gay gắt, nếu Bộ Công Thương thấy rằng việc kinh doanh gas cần dồn vào một số đầu mối thì cũng cho doanh nghiệp biết. Còn nếu vẫn quy định gas là ngành kinh doanh thị trường thì phải để cho các doanh nghiệp tham gia, không phân biệt quy mô.
Phản hồi ý kiến của các doanh nghiệp đưa ra, Thứ trưởng Công Thương - Trần Quốc Khánh ghi nhận những đóng góp nêu trên. Ông Khánh cho biết đây cũng là những vấn đề mà Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã xác định là một trong những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Bộ trưởng đã họp giao ban với các vụ chức năng trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng, mục đích của cơ quan soạn thảo là đưa ra những quy định để lập lại trật tự thị trường kinh doanh gas bát nháo thời gian trước đây. Hơn nữa, quan điểm của nhà quản lý là khi đưa ra chính sách phải đảm bảo đa mục tiêu: an toàn cho người tiêu dùng, cạnh tranh lành mạnh…
“Tâm người soạn thảo không xấu, không ai có ý định giết doanh nghiệp nhỏ và vừa. Buộc tội như vậy là sai lầm. Ý tưởng của người soạn thảo là thiết lập lại thị trường”, ông nói.
Chia sẻ về thời gian hoàn thành sửa đổi những bất cập của Nghị định 19, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, dù cơ quan này muốn đẩy nhanh thời gian nhưng vẫn phải tuân thủ đầy đủ quy trình sửa đổi một văn bản quy phạm pháp luật. “Tất cả những bất cập của doanh nghiệp nêu Bộ đã lắng nghe, tiếp thu và sẽ sửa đổi. Nhưng chúng tôi vẫn phải tuân theo quy trình sửa đổi văn bản pháp luật, phải xin trình Chính phủ việc sửa đổi này… nên mong người dân, doanh nghiệp chờ đợi thêm một thời gian nữa”, ông nói.
Ngành công thương đang duy trình 447 thủ tục hành chính Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh với vai trò là ngành chiếm hơn 80% GDP thì con số 447 thủ tục hành chính không phải quá nhiều, nhất là khi nhiều loại giấy phép bao hàm nhiều thủ tục cấp mới, sửa đổi, cấp lại và thu hồi… Quan trọng hơn theo ông là những thủ tục này đã minh bạch, đơn giản hóa, chuẩn hóa hay chưa. Còn ông Phạm Đình Thưởng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết cơ quan này sẽ rà soát, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp để sửa đổi, bổ sung những thủ tục hành chính rườm rà, gây khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, năm 2016, Bộ này bãi bỏ 6 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 33 thủ tục trong nhóm thương mại điện tử, hóa chất, rượu, năng lượng, an toàn thực phẩm… Việc cắt giảm chi phí thủ tục hành chính, theo ước tính của Vụ Pháp chế sẽ giúp cơ quan quản lý tiết kiệm được hơn 4,3 tỷ đồng một năm. |