Dưới đây là một vài câu chuyện kể về những người leo núi từng chết hụt khi thực hiện ước mơ và đam mê.
Joe Simpson
Năm 1985, Joe Simpson cùng bạn là Simon Yates quyết định chinh phục mặt phía tây Siula Grande, dãy Andes ở Peru. Mọi việc dường như tốt đẹp nếu Simpson không bị gãy chân. Tuy nhiên, thay vì quay lại, hai người đàn ông vẫn tiếp tục bước đi trong đêm tối.
Khi Simpson trở nên yếu ớt và không thể bước tiếp, Yates quyết định buộc Simpson vào dây để đưa anh xuống núi. Tuy nhiên, trong quá trình đó, sợi dây liên kết hai người bất ngờ bị vướng vào đá và Yates quyết định cắt dây để tự cứu bản thân. Simpson rơi 120 m vào một khe nứt nhưng may mắn không chết. Bị bỏ lại một mình, Simpson gần như tuyệt vọng, ông thậm chí đã nghĩ đến việc tự sát. Thế nhưng bản năng sinh tồn trỗi dậy, ông cố lần theo các kẽ nứt trên mỏm đá để tìm đường thoát ra. Hơn 3 ngày sau, Simpson tự mình bò được về nơi cắm trại, cách đó 8 km.
Joe Simpson (áo xanh) sau khi thoát chết. Ảnh: Best Counselling Degrees. |
Sau khi thoát chết, Simpson đã viết về kinh nghiệm đau thương của mình, tâm trạng hoảng loạn và sợ hãi ra sao khi cố gắng chống chọi giữa đêm đen và gió tuyết. Cuốn hồi ký “Touching the void” (Chạm vào hư vô) của ông đã đoạt giải thưởng vào năm 1988 và chuyển thể thành phim tài liệu năm 2003.
James Sevigny
Ngày 1/4/1983, James Sevigny và bạn là Richard Whitmire trong lúc chinh phục Canadian Rockies đã gặp trận tuyết lở, đẩy hai người rơi 600 m xuống núi. Khi tỉnh lại, Sevigny phát hiện mình bị thương nghiêm trọng: lưng gãy, đầu gối vỡ nát, một cánh tay gãy, tay còn lại gãy xương bả vai, nứt xương sườn, gãy răng và mũi. Thậm chí ông còn cảm thấy nội tạng bên trong bị dập và đang chảy máu. Gần đó, Whitmire đã chết, Sevigny quyết định nằm xuống và chờ đợi tử thần.
Thế nhưng theo James Sevigny, trong khoảng thời gian tưởng chừng vô tận ấy, ông nghe thấy tiếng nói động viên đừng bỏ cuộc. Giọng nói ấy liên tục tiếp thêm cho người đàn ông sức mạnh để duy trì ý thức, và chỉ biến mất khi đội cứu hộ tìm ra ông. Hiện tượng này được nhiều người so sánh với thiên thần hộ mệnh và được miêu tả như cách để đương đầu trong những trường hợp cực đoan.
James Sevigny kể lại giây phút đối mặt với tử thần trên Canadian Rockies. Ảnh: Best Counselling Degrees. |
Aron Ralston
Ngày 26/4/2003, nhà leo núi Aron Ralston bị mắc kẹt trong một khe hẹp ở hẻm núi Utah, khi tảng đá nặng 360 kg rơi xuống, nghiền nát cánh tay phải của anh. Ralston cố gắng di chuyển tảng đá bằng dây thừng và các dụng cụ đem theo bên người nhưng đều vô ích. Đến ngày thứ 4, Ralston hết sạch nước uống và phải đứng trước sự lựa chọn: cắt bỏ cánh tay. Đầu tiên, anh đánh gãy xương cánh tay, sau đó cắt dần các mô, mạch máu, gân mềm và đau đớn nhất chính là các dây thần kinh.
Nhân vật Aron Ralston trong bộ phim “127 giờ”. Ảnh: Best Counselling Degrees. |
Khi được hỏi về cảm giác trải qua khi đó, Ralston trả lời: “Những mơ ước, niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống tương lai trở thành nguồn động lực giúp tôi vượt qua các cơn đau”. Cuốn hồi ký của anh sau này được dựng thành phim “127 giờ” và được đề cử cho giải Oscar phim hay nhất năm 2011.
Xem thêm: Du khách người Anh tử vong do kiệt sức