Hiện một vài nhà băng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động trở lại với mức 0,1-0,2%, trong khi trước đó không lâu một số ngân hàng có động thái giảm lãi suất tiền gửi.
Từ ngày 14/6, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) đồng loạt tăng lãi suất các sản phẩm tiền gửi thông thường, gửi online và tiết kiệm với mức tối đa lên đến 7,7% mỗi năm. Theo đó, với hình thức gửi tiết kiệm thông thường, một số kỳ hạn ngắn được tăng 0,1-0,2% một năm. Còn với loại hình gửi tiết kiệm online thì được cộng thêm 0,05 - 0,3% một năm.
Một số ngân hàng khác như Eximbank, VIB... cũng điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn. Trong biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 8/6, Eximbank điều chỉnh tăng lãi suất huy động (nhận lãi cuối kỳ) kỳ hạn 7 tháng thêm 0,1%, từ 5,4% lên 5,5%.
Bên cạnh đó, nhà băng này cũng tăng lãi suất tiền gửi (nhận lãi trước) kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng từ 5,7% lên 5,8%. Tương tự, VIB đã áp mức lãi suất huy động mới cho khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một tháng, tăng 0,15% từ 4,75% lên 4,9%.
Một số ngân hàng rục rịch tăng lãi suất. |
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo của NamA Bank cho rằng, đây chỉ là động thái điều chỉnh mang tính cục bộ chứ không phải xu hướng chung. "Có thể một số ngân hàng tăng nhẹ lãi suất là để cơ cấu lại nguồn vốn chứ thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá tốt", ông chia sẻ.
Điều này được thể hiện khá rõ qua diễn biến trên thị trường 2. Theo đó, lãi suất bình quân liên ngân hàng thời gian qua có xu hướng giảm. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong tuần từ ngày 23 đến 27/5, lãi suất qua đêm bình quân trên thị trường liên ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm, về sát 0,66% mỗi năm.
Các chuyên gia lý giải, có thể do Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 8 tỷ USD để cải thiện dự trữ ngoại hối đồng nghĩa với việc đã có hơn 150.000 tỷ đồng được bơm ra thị trường. Diễn biến này đã giúp thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng trở nên dồi dào hơn.
Ngoài ra, tín dụng hiện nay cũng chỉ tăng trưởng bình thường nên không tạo nhiều áp lực lên nguồn vốn. "Hiện giờ đã bước qua tháng giữa năm nhưng ngân hàng tôi tăng trưởng tín dụng chưa được 50% chỉ tiêu", lãnh đạo một ngân hàng cổ phần phía Nam cho biết.
Mặc dù lãi suất liên ngân hàng có tăng nhẹ trở lại trong tuần đầu tháng 6/2016, nhưng các chuyên gia dự báo thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì trạng thái tích cực trong thời gian tới.
Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng chung xu hướng với thị trương 2 khi thực hiện chính sách giảm lãi tiền gửi. Biểu lãi suất mới áp dụng từ ngày 8/6 của Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho thấy sự sụt giảm ở hầu hết các kỳ hạn, trong đó giảm 0,1% đối với các kỳ hạn 1-12 tháng và giảm 0,2% đối với các kỳ hạn dài từ 18-36 tháng.
OCB cũng là ngân hàng thứ hai sau TPBank công bố giảm lãi suất huy động cá nhân, đặc biệt là ở kỳ hạn dài sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Thông tư này quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình được giữ nguyên 60% từ nay đến 31/12/2016, rồi giảm dần xuống 50% từ 1/1/2017, và từ 1/1/2018 sẽ xuống 40%. Quy định này đã giúp giảm đáng kể áp lực về nguồn vốn huy động dài hạn tại các ngân hàng.
Lệ Chi