Du khách quốc tế khi đến Nhật Bản thường nghĩ ngay đến bò Wagyu, Kobe, Matsusaka hay món bò nướng yakiniku nổi tiếng. Họ thường bỏ qua gyutan (“gyu” nghĩa là bò trong tiếng Nhật, trong khi “tan” được hiểu là lưỡi (tongue) trong tiếng Anh). Lý do là ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là phương Tây, văn hóa ăn “từ đầu đến đuôi” một con vật vẫn chưa được công nhận.
Những người sành ăn gyutan lại cho rằng một khi đã bước qua được rào cản tâm lý, món ăn này sẽ mang đến trải nghiệm thực sự thú vị.
Tại nhà hàng Aji Tasuke ở Sendai, đầu bếp cẩn thận lấy những miếng lưỡi bò thái sẵn còn đỏ hồng và đặt lên bếp than. Sử dụng một đôi đũa gỗ lớn, ông lật chúng hơn 2 lần, mỗi mặt 20 giây. Mỡ chảy xèo xèo khi lửa bén vào lớp thịt.
Món gyutan được thái dày hơn thịt bò thông thường, do đó có độ dai dai, sần sật nhưng không hề khó ăn như những gì bạn tưởng tượng. |
Những miếng lưỡi bò thơm ngon nhất chỉ sử dụng một chút muối để không làm mất đi hương vị hấp dẫn của thịt. Thực khách có thể gọi gyutan để ăn riêng, nhưng gợi ý tốt nhất là hãy gọi theo suất. Một suất gyutan ăn kèm với súp đuôi bò và cơm chiên Nhật Bản (làm từ gạo lúa mạch) có giá 1.600 yên (tương đương 14,66 USD).
Nhà hàng này chỉ phục vụ lưỡi bò nướng. Nếu muốn thử các biến tấu khác từ lưỡi bò, hãy đến các cơ sở của nhà hàng Rikyu và Kisuke ở Sendai. Món cà ri lưỡi bò cũng được rất nhiều người yêu thích.
Xuất xứ của món gyutan
Mặc dù hiện nay món gyutan được phục vụ tại hầu hết nhà hàng yakiniku trên đất nước Nhật Bản, Sendai vẫn là nơi bạn có thể thưởng thức món gyutan xuất sắc nhất. Đây là thành phố lớn nhất khu vực Tohoku ở phía bắc Nhật Bản. Nhà hàng Aji Tasuke ở Sendai cũng là nơi ra đời món gyutan trứ danh, được mở từ năm 1948 bởi người đàn ông có tên Keishiro Sano.
Không gian nhà hàng giống phong cách thường thấy ở Nhật Bản: Ghế của thực khách xếp quanh khu vực phục vụ. |
Sano rời nhà tới Tokyo học việc khoảng từ năm 1935. Lấy cảm hứng từ một đầu bếp người Pháp, ông đã suy nghĩ về việc sử dụng lưỡi bò và chế biến sao cho phù hợp với khẩu vị người Nhật.
Sau Thế chiến thứ hai, ông trở về phía bắc và mở một nhà hàng ở Sendai. Do tình trạng thiếu lương thực, ông bắt đầu phục vụ lưỡi bò và súp đuôi bò cho thực khách. “Người Nhật cho rằng khi đã giết mổ một con vật, ta phải sử dụng tất cả bộ phận có thể ăn được trên người nó”, chuyên gia ẩm thực Nhật Bản Elizabeth Andoh cho biết. “Gyutan có lẽ còn là sản phẩm của sự tuyệt vọng khi thiếu lương thực sau Thế chiến thứ hai.”
Gần bảy thập kỷ trôi qua, Sano đã qua đời nhưng hình ảnh của ông vẫn được treo trên tường ở nhà hàng Aji Tasuke, hiện được con trai ông quản lý.
Ngày nay, bạn không thể tới bất kỳ góc phố nào của thành phố triệu dân này mà không nhìn thấy một biển hiệu quảng cáo món gyutan.
Mỗi vùng đất ở Nhật Bản đều có một đặc sản riêng, không trùng lặp với các nơi khác. Điều này đã tạo ra văn hóa “omiyage”, nghĩa là sau chuyến đi tới vùng đất nào đó, người Nhật sẽ mua đặc sản, quà lưu niệm của nơi này về cho gia đình và bạn bè. Lưỡi bò đông lạnh được đóng gói và bày bán ở nhà ga xe lửa Sendai.
Ở Tokyo, các món lưỡi bò sẽ được quảng cáo là “gyutan kiểu Sendai”. Đây là cách người bán hàng khẳng định chất lượng món ăn này cho thực khách.
Đến Sendai ăn gyutan là một tour du lịch trong ngày phổ biến tại Nhật Bản. |
Nguyên liệu nhập từ Mỹ
Trong năm 2015, hơn 16.500 tấn lưỡi bò Mỹ được nhập khẩu sang Nhật Bản. Không phải tất cả số lưỡi bò này đều được phục vụ tại Sendai. Có đến 22.000 nhà hàng yakiniku ở Nhật Bản và gần như tất cả đều phục vụ món gyutan.
Lưỡi bò Mỹ có hương vị phong phú hơn hẳn so với các nơi khác bởi bò Mỹ được nuôi lớn bằng ngô. Bên cạnh đó, những con bò ăn cỏ như ở Australia hay New Zealand thường sẽ có nhiều cơ ở trên mặt lưỡi, thịt dai và khó ăn hơn.
Xem thêm: Tô mì một sợi độc đáo ở Nhật Bản
(Theo CNN)