Câu hỏi lớn nhất với VAMC năm nay là làm gì để tiêu hoá hết khoản nợ đã mua.
Agribank đã bán hơn 60.000 tỷ đồng nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), BIDV bán khoảng 20.000 tỷ đồng, VietinBank bán khoảng 14.000 tỷ và Vietcombank đã chuyển sang VAMC hơn 6.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, các ngân hàng cổ phần, công ty tài chính, tổng cộng 41 tổ chức tín dụng, nơi nào ít thì vài nghìn, nhiều thì vài chục nghìn tỉ đồng nợ xấu đã “gá” sang VAMC. Ngôi nhà nợ xấu VAMC cũng đã bắt đầu được thu phí các khoản nợ xử lý được để có tiền về.
Câu hỏi lớn nhất với VAMC năm nay là làm gì để “tiêu hóa” chỗ nợ đã mua? VAMC một mặt đang tuyển dụng thêm nhân sự để xử lý nợ, mặt khác đã bắt đầu làm các động tác như đi kiểm tra trực tiếp tại các tổ chức tín dụng việc quản lý các khoản nợ, xem tận mắt hồ sơ gốc của khoản nợ tại két sắt của ngân hàng như hồ sơ vay nợ, giấy tờ sổ đỏ, giấy tờ các dự án, các nhà xưởng, khu đất… được gán cho ngân hàng làm tài sản đảm bảo cho khoản nợ, đồng thời tham khảo về phương án xử lý với các dự án dở dang chưa có đầu ra và tham vấn cho chủ nợ, nhà băng giải pháp cho các dự án kinh doanh... Với một số dự án dở dang đang được chuyển hướng có đầu ra khả thi, VAMC có thể đề nghị cơ quan chức năng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh lãi suất cho vay hay miễn giảm lãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Nhưng VAMC quá ít người (tổng số cán bộ của công ty là gần 150 người ), trong khi số khoản nợ họ đang tham gia quản lý là hơn 24.500 khoản nợ tương ứng với 16.000 khách hàng, một nguồn tin có thẩm quyền cho biết. Năm 2015, VAMC đã khởi kiện hàng trăm khoản nợ để thu tài sản và từ tài sản đó họ hy vọng bán nhanh để thu tiền về nhưng không ít những bản án đã khởi kiện, tòa đã xử xong mà hiện chưa thi hành án được. Trên website của VAMC hiện nay mới rao bán chưa đầy 100 tài sản được chào bán là bất động sản và tài sản trên đất, tức là công ty mới “sơ chế, làm sạch” được chừng đó để rao bán. Vì vậy, một lãnh đạo công ty nói nếu họ làm với tốc độ thần tốc trong cả năm nay thì dự báo chỉ xử lý được vài trăm khoản là “kịch kim”, rất nhỏ so với các khoản nợ đang nằm đó.
VAMC hiện đang đối mặt với rất nhiều áp lực. |
Việc bán nợ cho nhà đầu tư thứ 3 theo giá thị trường là lối ra có thể nói hiệu quả nhất nếu tổ chức này làm được, nhưng hiện nay vẫn còn những vướng mắc ở cả hai đầu, người bán và người mua.
Người bán không muốn bán
Mới đây, một lãnh đạo ngân hàng thương mại vừa ra ngoài lập công ty riêng chuyên mua bán nợ xấu cho biết: “Chúng tôi đi hỏi mua nợ xấu từ các ngân hàng, nhưng họ ngại bán. Họ sợ trách nhiệm, vì bán là cụ thể hóa lỗ hoặc mất giá tài sản. Trách nhiệm tức là có thể bị truy cứu với cơ quan công an vì làm hao hụt tài sản của ngân hàng”.
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại chia sẻ rằng các ngân hàng không mơ mộng đến nỗi kỳ vọng nhiều vào VAMC vì đó chỉ là nơi giấu số. VAMC bị vô hiệu hóa trong giải quyết các khoản nợ thời gian qua vì điều kiện cấu trúc luật pháp Việt Nam quá phức tạp và còn tồn tại nhiều mâu thuẫn.
Ông nói rằng dù có VAMC rồi nhưng con đường của các ngân hàng sẽ là hai hướng chính: tự đi thu nợ và tự kiếm tiền bù đắp thay vì lỗ ngay thì lỗ dần dần, thay vì hạch toán một lần thì phân bổ. “Các khoản vay tôi đã bán cho VAMC vẫn đang trích dự phòng và vẫn đang tự xử lý bằng cách thu nợ. Nếu không thu được nợ, ngân hàng vẫn còn trích miệt mài. Theo tôi biết 100% các ngân hàng hiện nay vẫn theo dõi số dư nợ xấu của mình bao gồm cả những khoản nợ đã bán sang VAMC rồi như là nợ của mình không có thay đổi, vẫn phân công người hì hụi đi thu nợ”, ông thừa nhận, và cho biết thêm: “VAMC giúp các ngân hàng không bị nát bét vì phơi bày nợ xấu hết một lúc, mà được từ từ gượng dậy, dùng khả năng sinh lời bù đắp tài sản đã mất, coi như công nợ trả dần, cháo húp vòng quanh”.
Vị lãnh đạo trên không phủ nhận họ phải miễn cưỡng “gá” nợ cho VAMC. Theo qui định về phân loại và trích lập dự phòng rủi ro, các tổ chức tín dụng được phép trừ khỏi khoản nợ gốc giá trị tài sản thế chấp để tính và trích dự phòng theo qui định. Đây không phải là kẽ hở của luật pháp vì nó hợp lý song vấn đề là các tổ chức tín dụng khó khăn luôn không trung thực khi định giá giá trị tài sản thế chấp, theo kiểu thà chịu nộp thuế còn hơn mất tất. Chỉ cần so sánh giá trị trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành để mua nợ với số dư nợ gốc tương ứng có thể hình dung được con số dự phòng các tổ chức tín dụng đã trích trước khi bán cho VAMC rất nhỏ mà ai cũng thấy là không tương xứng với mức độ rủi ro. Vậy việc Ngân hàng Nhà nước ép các tổ chức tín dụng phải bán nợ cho VAMC cũng là một bước buộc các tổ chức này phải thắt lưng buộc bụng để trích lập dự phòng, dù chỉ 10 hay 20% mỗi năm.
Vị này cho rằng cần lưu ý Ngân hàng Nhà nước đã lường trước vấn đề khi khéo léo thiết kế trái phiếu đặc biệt: Số tiền thu được từ khoản nợ sẽ không được dùng ngay vào việc đáo hạn (từng phần) trái phiếu, vì như thế, khoản lỗ sẽ ngay lập tức lộ diện, thay vào đó số tiền sẽ được VAMC gửi tại chính tổ chức tín dụng đã bán nợ chờ đến khi trái phiếu đáo hạn mới tất toán. “Kỹ thuật này có thể dùng được khi VAMC bán tài sản thế chấp (vì VAMC vẫn còn quyền tiếp tục đòi nợ đối với bên vay), tuy nhiên nếu VAMC bán đứt khoản nợ thì gây rắc rối, vì khi đó số dư nợ còn lại trên sổ của VAMC sẽ hoàn toàn khống”, một chuyên gia tài chính khác nhận xét.
Với cơ chế này, VAMC cùng lắm cũng chỉ là người sở hữu pháp lý của khoản nợ, sở hữu kinh tế đối với khoản nợ đó vẫn thuộc về các tổ chức tín dụng. Quyền lợi của các tổ chức tín dụng vẫn còn đó, muốn xử lý theo bất cứ hướng nào, VAMC cũng cần được các tổ chức tín dụng đồng lòng thông qua, chính Chủ tịch VAMC Nguyễn Quốc Hùng đã nhiều lần “than thở” điều này ở các hội thảo và trên báo chí.
VAMC không được tự quyết
Cần nói thêm rằng với các quy định hiện hành, VAMC hiện nay không được quyền tự quyết. Hầu hết các quyết định phải trình với Ngân hàng Nhà nước. Cộng thêm các trì hoãn việc bán nợ từ các tổ chức tín dụng thì việc trao cho VAMC toàn quyền xử lý nợ xấu mà vẫn bảo đảm các nguyên tắc bảo toàn giá trị sổ sách mới là điều quan trọng nhất để tạo ra hiệu quả cho mô hình này. Người ta đang hy vọng các quyết sách mới của tân thống đốc sẽ mở ra cơ hội này cho VAMC.
Cũng không ít ý kiến cho rằng dù có tiền VAMC cũng sẽ không thể mua được nợ “theo giá thị trường” (VAMC đã được nâng vốn điều lệ từ 500 lên 2.000 tỉ đồng) bởi ai cũng biết phát triển thị trường mua bán nợ là giải pháp rốt ráo cho xử lý nợ xấu ngân hàng, bản thân Chính phủ cũng đang xây dựng nghị định về điều kiện kinh doanh mua bán nợ như một nỗ lực theo hướng này. Song giới ngân hàng cho rằng ở đây vấn đề lớn nhất không phải ai mua ai bán mà là giá nào. “Nếu thị trường “nhả ra” một mức giá mà không ai mong muốn thì “chợ” dẫu xây lên đẹp đến mấy cũng không hoạt động được”, vị giám đốc mở công ty mua bán nợ ở trên nói.
Nút thắt này được ông Nguyễn Xuân Thành – Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright chỉ ra trong báo cáo mới đây về 10 năm tái cơ cấu ngân hàng, rằng các ngân hàng thà tham gia một canh bạc mới theo kiểu nếu thắng cho dù với xác suất nhỏ thì có cơ thoát nợ còn nếu thua thì đằng nào cũng đã mất hết. Tức là các ngân hàng còn nước còn tát, còn trì hoãn bán nợ được sẽ còn trì. Không có người bán hoặc không muốn bán nên đưa ra giá bán cho có lệ thì ông thị trường chơi với ai?
Nhưng cũng sẽ là canh bạc lớn hơn đối với cả nền kinh tế nếu mặc cho các ngân hàng thương mại được phép phá sản. Ai cũng biết đây là lý do để VAMC ra đời. Câu chuyện con gà quả trứng là đây. Đối mặt với một mình con nợ đã khó, VAMC còn phải đối mặt với chính các tổ chức tín dụng. Chừng nào “giá thị trường” của khoản nợ vẫn nhỏ hơn giá trị sổ sách sau khi đã trích lập dự phòng thì thì VAMC sẽ không thể làm gì được. Ngược lại, các chuyên gia cho rằng thoát khỏi tình trạng này, thị trường mua bán nợ tự nhiên sẽ xuất hiện.
Kiên Đức