Tâm lý người tiêu dùng Mỹ tháng này vọt lên cao nhất 2,5 năm khi họ ngày càng lạc quan về lạm phát và thu nhập hộ gia đình, theo Đại học Michigan.
Đại học Michigan vừa công bố chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đạt 78,8 trong nửa đầu tháng 1, mức cao nhất kể từ tháng 7/2021, tăng 13% so với tháng 12/2023. Kết quả này cao hơn thăm dò của Reuters là 70 điểm. Và đây là lần thứ hai liên tiếp chỉ số này tăng trong bối cảnh chứng khoán tốt lên, thị trường lao động lành mạnh và giá xăng dầu vẫn ở mức thấp.
Chỉ số tiêu dùng hiện phục hồi gần 60% sau khi chạm mức thấp kỷ lục vào tháng 6/2022 và chỉ còn kém 7% so với mức trung bình kể từ năm 1978. Người Mỹ vẫn duy trì chi tiêu bất chấp giá cả và chi phí vay cao. Joanne Hsu, Giám đốc khảo sát của Đại học Michigan cho biết sự phục hồi trong tâm lý "có khả năng mang lại một số động lực tích cực cho nền kinh tế".
Grace Zwemmer, nhà phân tích tại Oxford Economics, lưu ý rằng chỉ số tâm lý tiêu dùng không phải là dự báo chính xác về xu hướng chi tiêu trong tương lai, nhưng việc nó cải thiện giúp giảm nguy cơ người dân thắt lưng buộc bụng, tạo triển vọng lạc quan hơn về tăng trưởng GDP.
Tâm trạng người Mỹ tốt hơn có lợi cho tăng trưởng vì khi họ lạc quan có thể tiếp tục chi tiêu, thúc đầy khoảng hai phần ba nền kinh tế Mỹ. Emma St. Onge - sinh viên đại học tại Springfield (Massachusetts) - cho rằng giá xăng giảm mang lại tâm lý tích cực. "Tôi cảm thấy có thể làm được nhiều việc hơn vì tiền của mình có giá trị hơn. Hy vọng mọi người sẽ bắt đầu ít khó khăn và mọi thứ sẽ được cải thiện", cô cho biết.
Kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng trong 12 tháng tới cũng thấp nhất 3 năm, là tin tốt cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Christopher Rupkey, Kinh tế trưởng FWDBONDS ở New York, cho rằng nền kinh tế không suy yếu mà vẫn tiến lên vào đầu năm 2024. "Lần đầu tiên, việc tăng lãi suất ồ ạt không làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế", ông nói.
Các thước đo khác cũng cho thấy người Mỹ cuối cùng đã bớt lo lắng. Theo khảo sát của Fed New York, tỷ lệ người tiêu dùng dự kiến tình hình tài chính cải thiện vào tháng 12 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Kết quả khảo sát niềm tin tiêu dùng của nhà cung cấp dữ liệu Conference Board tháng trước đã chứng kiến mức tăng lớn nhất kể từ tháng 3/2021.
Cuộc thăm dò chuyên gia do Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ (NABE) thực hiện cho biết 91% số chuyên gia được hỏi cho rằng xác suất nước này bước vào suy thoái trong 12 tháng tới là 50% hoặc ít hơn. Con số này tăng từ 79% trong cuộc khảo sát tháng 10 và khác xa so với quan điểm một năm trước, khi phần lớn dự đoán suy thoái gần kề.
Các nhà kinh tế được NABE hỏi cũng dự báo doanh thu và tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp năm nay tăng. Các vấn đề về chuỗi cung ứng, lao động đang cải thiện, là tin tích cực cho triển vọng lạm phát. Cụ thể, khoảng 63% cho biết không thiếu nguyên liệu đầu vào, tăng so với mức 46% của 3 tháng trước. Hơn một nửa nói không thiếu lao động, tăng từ mức 38% của báo cáo trước.
Dẫu vậy vẫn có những rủi ro với nền kinh tế và tâm trạng của người Mỹ. Dự báo nước này sẽ tránh được suy thoái nhưng các nhà kinh tế nhận thấy tốc độ tăng trưởng đang chậm lại đáng kể, do tác động từ việc tăng lãi suất của Fed gây căng thẳng cho tài chính hộ gia đình và doanh nghiệp. Jeremy Schwartz, nhà kinh tế Mỹ cấp cao tại Nomura cho rằng điều đó có thể đè nặng lên người tiêu dùng, đặc biệt nếu tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng.
Lạm phát khả năng dai dẳng hơn và chịu ảnh hưởng từ các sự kiện toàn cầu như xung đột ở Trung Đông và Ukraine. Giá xăng dầu, thực phẩm tăng vọt hoặc thị trường chứng khoán lao dốc cũng có thể làm suy giảm tâm lý. Ngay cả một nền kinh tế quá mạnh cũng có thể khuyến khích Fed giữ lãi suất cao lâu hơn. Điều đó khiến người Mỹ tốn kém hơn khi mua nhà, ôtô và các thiết bị gia dụng.
Phiên An (theo Reuters, WSJ)