Sau một thập kỷ giữ lại lợi nhuận, Techcombank dự kiến chia cổ tức với mức lợi tức 5% mỗi năm, ngang gửi tiết kiệm ngân hàng.
Tại hội nghị với nhà đầu tư vừa diễn ra, Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), ông Jens Lottner nói: "10 năm qua chúng tôi nhất quán với chính sách giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư. Nhưng đây là thời điểm chúng tôi cân nhắc lại".
Khẳng định Techcombank vẫn theo đuổi định hướng tái đầu tư đảm bảo động lực tăng trưởng, tuy nhiên, theo ông Jens Lottner, việc giữ lại quá nhiều vốn một cách không cần thiết lại không có lợi.
"Chúng tôi cho rằng với mức đủ vốn hiện tại và khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng 20% hằng năm, việc trả cổ tức hằng năm trong thời gian tới là khả thi. Kế hoạch này chúng tôi sẽ xin ý kiến cổ đông cụ thể trong đại hội cổ đông sắp tới", ông Jens nói.
Nói thêm về kế hoạch này, ông Phùng Quang Hưng, Phó tổng giám đốc Techcombank, cho biết ngân hàng dự kiến chia cổ tức tiền mặt ít nhất 20% lợi nhuận sau thuế hằng năm. Ước tính, tỷ lệ trả cổ tức tương đương 15% so với mệnh giá hiện nay.
"Có nghĩa, nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu TCB với thị giá hiện tại có thể được hưởng lợi tức khoảng 5% một năm, tương đương với mức lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Điều này đảm bảo lợi ích và dòng tiền thường xuyên cho cổ đông, đặc biệt là cổ đông dài hạn", ông Hưng nói.
Tại cuộc họp, nhiều cổ đông cũng đặt câu hỏi về rủi ro với mảng cho vay bất động sản của Techcombank trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ngân hàng bán lẻ Techcombank cho biết, cho vay bất động sản hiện chiếm 40% tổng dư nợ của nhà băng, gồm cho vay các nhà phát triển bất động sản, doanh nghiệp xây dựng, sản xuất cung cấp vật liệu xây dựng...
"Techcombank có mô hình quản trị rủi ro khác biệt với chuỗi giá trị quản trị từ đầu vào cho tới đầu ra. Cách làm đồng bộ này tới nay đã chứng minh được hiệu quả quản lý từ đầu đến cuối dòng tiền và kiểm soát rủi ro", ông Tuấn nói.
Tỷ lệ nợ xấu với nhóm doanh nghiệp, gồm cả bất động sản, theo đại diện của Techcombank gần như bằng 0% dù bối cảnh chu kỳ ngành đi xuống. Điều này cho thấy sự am hiểu cũng như chọn lọc kỹ càng của Techcombank khi bắt tay với đối tác. Còn với phân khúc cho vay cá nhân mua bất động sản, theo đại diện ngân hàng, rủi ro này được phân tán trong tất cả lĩnh vực của nền kinh tế tùy thuộc vào thu nhập và lĩnh vực của khách hàng vay.
Năm 2023 với nhiều thách thức nhưng tỷ lệ nợ xấu của Techcombank đến cuối 2023 là 1,19%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 1,5% đề ra. Bên cạnh đó, Techcombank luôn trích lập chi phí dự phòng rủi ro một cách thận trọng và an toàn nhất, ông Tuấn nói.
Tại cuộc họp, bà Lê Thanh Hằng, Cố vấn quan hệ nhà đầu tư của nhà băng, cũng cho biết, dư nợ cho vay tái cơ cấu theo Thông tư 02 đến hết 2023 ở mức dưới 2.000 tỷ đồng. Với tình trạng khách hàng hiện tại, theo bà, rủi ro chuyển nợ xấu là rất thấp. Ngân hàng cũng đã trích lập đủ 100% cho nhóm này trong khi Thông tư 02 chỉ yêu cầu trích lập 50%. Trong trường hợp Thông tư 02 không được gia hạn, bà Hằng khẳng định điều này gần như không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của Techcombank.
Quỳnh Trang