Doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị phạt 80-100 triệu đồng nếu cung cấp không đúng các thông tin cho khách hàng.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức phạt tiền với một số hành vi liên quan đến việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm và nghiệp vụ, hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Mức xử phạt với các doanh nghiệp bảo hiểm có vi phạm khi bán bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe có thể tăng gấp đôi.
Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm có thể bị phạt 80-100 triệu đồng nếu cung cấp không đúng các thông tin về quy tắc, điều kiện, điều khoản và các tài liệu tóm tắt, minh họa quyền lợi, giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. Mức này cũng áp dụng với vi phạm khi bán bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe.
Theo quy định cũ, các hành vi như cung cấp tài liệu giới thiệu sản phẩm hay tài liệu minh họa không rõ ràng và chính xác chỉ bị xử phạt cảnh cáo. Các hành vi như không cung cấp đầy đủ thông tin hoặc không thông báo tình trạng hợp đồng cho khách hàng cũng chỉ chịu mức phạt từ 40-50 triệu đồng.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về môi giới bảo hiểm. Doanh nghiệp môi giới có thể bị phạt tiền 20-40 triệu đồng nếu hứa hẹn cung cấp các quyền lợi bất hợp pháp để xúi giục khách hàng ký hợp đồng; xúi giục khách hàng hủy bỏ hợp đồng đang có hiệu lực để mua mới.
Bộ Tài chính đề xuất phạt tiền 40-60 triệu đồng nếu tư vấn cho khách hàng mua bảo hiểm với các điều khoản kém cạnh tranh hơn nhằm thu được hoa hồng môi giới cao hơn hoặc cung cấp cho khách hàng thông tin sai lệch.
Trường hợp sử dụng người trực tiếp môi giới không đủ điều kiện, mức phạt đề xuất cho doanh nghiệp môi giới sẽ 50-70 triệu đồng. Các đại lý bảo hiểm có thể bị phạt 30-50 triệu đồng với các hành vi này.
Từ năm 2013 tới nay, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xử phạt gần 3 tỷ đồng với 29 doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm.
Thị trường bảo hiểm đạt mức tăng trưởng cao, bình quân đạt 17,27% một năm trong giai đoạn 2013-2023. Năm 2023, tổng tài sản thị trường bảo hiểm gần 913.400 tỷ đồng, trong đó 86% là bảo hiểm nhân thọ.
Bộ Tài chính đánh giá, thị trường bảo hiểm góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tài chính, sức khỏe người dân. Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhìn nhận cần thiết sửa đổi quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh này để tăng tính răn đe.
Trước đó, theo kết luận thanh tra bán bảo hiểm qua ngân hàng với Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife, các doanh nghiệp này mắc sai phạm chủ yếu là bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng, nhất là khâu tư vấn của giao dịch viên, nhân viên môi giới.
Một số vi phạm điển hình như nhân viên không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục, hồ sơ yêu cầu. Doanh nghiệp bảo hiểm cũng không đảm bảo chất lượng tư vấn, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm.