Chuyển đổi xanh sẽ xếp lại trật tự toàn cầu

Kẻ thắng - người thua trong quá trình chuyển đổi xanh không dễ nhận diện và vị trí siêu cường thống lĩnh vẫn chưa có chủ, theo Economist.

Việc chuyển đổi sang thế giới không có carbon sẽ giúp tất cả quốc gia tốt hơn, ít nhất về mặt lý thuyết. Nhiều nước sẽ giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu, tiết kiệm chi phí lớn và bảo vệ nền kinh tế khỏi biến động giá nhiên liệu hóa thạch.

Những công ty xuất khẩu kim loại cần thiết cho Tesla, tua-bin điện gió hay lưới điện sẽ kiếm doanh thu béo bở. Ngay cả các quốc gia dầu mỏ cũng có thể phát triển nếu nâng cấp các nhà máy lọc dầu và đường ống, cũng như phát triển điện gió và mặt trời để sản xuất hydro. Khi ấy, mọi người sẽ chào đón một hành tinh không còn nóng hơn và nguy hiểm hơn mỗi năm.

Nhưng thực tế, quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0 (net zero) sẽ rất hỗn loạn, theo Economist. Việc thay đổi mô hình tiêu thụ năng lượng và các dòng chảy thương mại sẽ tạo ra người thắng - kẻ thua mới.

Công nhân đi bộ tại một nhà máy điện mặt trời ở Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 11/12/2019. Ảnh: Reuters

Công nhân đi bộ tại một nhà máy điện mặt trời ở Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 11/12/2019. Ảnh: Reuters

Cho đến nay, phân hóa vẫn còn chưa hiện rõ bởi các vấn đề thách thức khác của kinh tế toàn cầu thời gian qua, từ Covid-19, kinh tế toàn cầu suy yếu đến tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm tốc. Nhưng vào 2024, xu hướng sẽ bắt đầu trở nên rõ ràng hơn. Dù vậy, kết quả không dễ hình dung như ta mong đợi.

Bởi lẽ, kết quả thế giới không chỉ đơn giản là các nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch sẽ thua và các nhà cung cấp tài nguyên xanh sẽ thắng. Thay vào đó, sẽ có người thắng và người thua ở cả hai phe.

Đầu tiên, trong quá trình chuyển đổi, toàn cầu sẽ tiếp tục tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự đoán nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh trước năm 2030. Nhưng những thách thức trong việc xanh hóa diễn ra năm nay cho thấy nhu cầu thậm chí không thể giảm sớm như vậy.

Nhưng áp lực từ các nhà đầu tư và nghi ngờ về nhu cầu dài hạn có nghĩa là chỉ có các công ty quốc doanh mới ở Vùng Vịnh và Mỹ Latinh dám chi tiêu lớn cho phát triển nguồn cung dầu mỏ mới. Thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể bất đồng về cách giải quyết tốt nhất cho quá trình chuyển đổi năng lượng, dẫn đến mất thị phần vào các quốc gia dầu mỏ khác ngoài khối có chi phí sản xuất thấp hơn.

Nhu cầu về khí đốt sẽ vẫn kéo dài, cho phép 3 quốc gia xuất khẩu nhiều nhất dưới dạng khí lỏng là Mỹ, Australia và Qatar thu lợi nhuận. Ngay cả than đá cũng sẽ giữ được sức hấp dẫn của nó cho đến những năm 2040. Miễn là châu Á, nơi có nhu cầu năng lượng lớn, tiếp tục tiêu thụ. Cơ hội đó tiếp tục thuộc về Australia và Indonesia, đứng đầu trong việc cung cấp than đá cho khu vực này.

Trước mắt, sau những biến động địa chính trị vào cuối năm 2023, giá nhiên liệu hóa thạch có thể dao động trở lại vào năm 2024. Nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi sẽ cần nhiều dầu hơn, cũng như châu Á và châu Âu cạnh tranh hơn về khí đốt. Trừ khi có suy thoái toàn cầu, các quốc gia nhập khẩu từ Đức đến Nhật Bản có thể phải đối mặt với giá cao trong thập kỷ tới.

Thứ hai, tác động của quá trình điện khí hóa sẽ mang nhiều sắc thái. Việc gấp rút đạt được các mục tiêu khử cacbon sẽ tạo ra nhu cầu lớn với các kim loại như coban, đồng, lithium và niken. Chúng là những thành phần quan trọng trong các nhà máy điện tái tạo, lưới điện và ôtô điện. Vào 2024, triển vọng này có thể áp đảo những lo ngại ngắn hạn về nền kinh tế, khiến giá kim loại tăng lên.

Tuy nhiên, với công nghệ sạch vẫn đang hoàn thiện, thị trường khoáng sản này có thể trải qua các chu kỳ tăng trưởng và giảm sút nhanh chóng, khiến các quốc gia xuất khẩu chúng chứng kiến nhiều biến động. Với nhiều nước mới tham gia khai thác, việc thiếu các quỹ nhà nước quản lý tốt, các cơ chế phòng ngừa rủi ro và sự thận trọng tài chính cần thiết thì đây là rủi ro.

Ngoài ra, khó khăn và chi phí của việc đóng - mở các mỏ khai thác và sự phân tán địa lý làm cho khả năng xuất hiện một "OPEC" của kim loại là không khả thi. Điều này ngụ ý rằng chỉ những quốc gia cung cấp giỏi nhất mới thắng được trong thị trường bán tài nguyên xanh.

Ngoài ra, sự bùng nổ sẽ không kéo dài mãi. Khi có đủ tuabin gió và ôtô điện trên đường, nhu cầu về kim loại xanh sẽ ổn định ở mức thấp hơn. Vì vậy, thu nhập bền vững hơn sẽ chảy vào các quốc gia có thể khai thác nắng, gió và sông để tạo ra điện xanh dồi dào mà họ không cần.

Trong một số trường hợp, nguồn tài nguyên không đồng đều sẽ làm trầm trọng thêm sự khác biệt giữa các khu vực. Ví dụ Biển Bắc lộng gió và Địa Trung Hải đầy nắng sẽ phát triển tốt, trong khi các nước châu Âu sâu trong lục địa nhiều mây sẽ gặp khó khăn.

Những quốc gia thắng thế sẽ là nơi có thể kết hợp nhiều loại nguồn lực để đảm bảo nguồn cung liên tục của năng lượng tái tạo. Các nước dân số nhỏ có thể sử dụng năng lượng thặng dư mà họ sản xuất để thu hút các ngành công nghiệp tốn nhiều năng lượng như sản xuất thép hoặc lưu trữ dữ liệu. Các nước khác sẽ tìm cách xuất khẩu chúng, dù là dưới dạng electron hoặc nhiên liệu lỏng.

Trong khi đó, vị trí siêu cường năng lượng của giai đoạn chuyển đổi sẽ là những quốc gia bất chấp chỉ trích và thực hiện mọi thứ: bán nhiên liệu hóa thạch, khai thác kim loại và đẩy mạnh năng lượng tái tạo.

Hiện chưa có quốc gia nào thực hiện được tất cả những điều này cùng lúc. Đến nay, các quốc gia Vùng Vịnh nói nhiều về năng lượng mặt trời và hydro nhưng vẫn chưa triển khai ở quy mô lớn. Chile khai thác lượng lớn đồng và lithium nhưng không tận dụng bờ biển dài 6.500 km và sa mạc nắng để tạo ra điện năng lớn.

Trong khi, Mỹ có dầu và khí đá phiến và ngày càng có nhiều nguồn năng lượng tái tạo, nhưng gặp phải sự phản đối khi khai thác kim loại xanh trong lãnh thổ của mình. Vì vậy, phần thưởng lớn nhất của giai đoạn chuyển đổi vẫn chưa được trao.

Phiên An (theo Economist)

Adblock test (Why?)