Bất chấp lãi suất tiết kiệm liên tục giảm sâu, về thấp hơn giai đoạn Covid-19, lãi suất các khoản vay cũ hiện chỉ giảm 1-2% so với đầu năm và vẫn neo ở mức cao.
Từ giữa tháng 3, lãi suất tiết kiệm liên tục hạ nhiệt, hiện kỳ hạn một năm tại các ngân hàng đã giảm ít nhất 2,5-3% so với giai đoạn cao điểm. Dẫu vậy, lãi suất cho vay, nhất là các khoản cũ (lãi suất thả nổi), giảm rất chậm.
Khánh Linh, một khách hàng vay TPBank để mua nhà dự án, cho biết khoản vay gần một tỷ đồng của cô hiện chịu lãi suất 13,7% một năm, tức chỉ giảm 1,2% so với đầu năm.
"Năm ngoái, lãi suất cho vay tăng chóng mặt qua mỗi kỳ điều chỉnh, từ 11% lên 13,5%, sau đó lên 15% vào đầu năm nay. Nhưng từ khi lãi suất tiết kiệm liên tục giảm những tháng gần đây, lãi suất cho vay chỉ hạ 1,2%", Linh nói.
Ghi nhận của VnExpress tại nhiều ngân hàng cũng cho thấy lãi suất thấp chỉ dành cho các khoản vay mới. Theo đó, trong thời gian đầu (6-24 tháng), khách có thể được hưởng mức lãi suất ưu đãi từ 7-9%. Còn lãi suất thả nổi của các khoản vay cũ giảm ít và không đồng đều, tùy vào chính sách từng nhà băng.
Hiện, lãi suất vay thế chấp thả nổi tại nhóm ngân hàng quốc doanh như Vietcombank về khoảng 10,5% một năm. Ở một vài nhà băng tư nhân như ACB, Techcombank, lãi suất về 11,5% một năm, một số đơn vị khác dao động trên 13% một năm.
Không chỉ nhóm cá nhân, các khách hàng doanh nghiệp trong những cuộc hội nghị đối thoại với ngân hàng gần đây cũng thường xuyên phàn nàn tình trạng lãi suất khoản vay cũ giảm chậm
Bà Mạc Thị Mùi, Giám đốc Công ty HIS Hải Dương, cho biết doanh nghiệp bà đang có khoản vay 20 tỷ đồng tại một ngân hàng tư nhân, được giải ngân lần lượt vào quý IV/2022 và đầu năm nay. "Thời điểm đó, chúng tôi chấp nhận vay với lãi suất 14% một năm vì lãi suất tiết kiệm tăng nhanh. Nhưng hiện lãi suất đầu vào đã về mức thấp kỷ lục, tại sao lãi suất cho vay vẫn neo ở mức 13% một năm", bà Mùi thắc mắc.
Chủ một doanh nghiệp vận tải khác cho rằng các ngân hàng đang ưu tiên khách hàng vay mới hơn so với khách hàng hiện hữu. Lãi suất vay mới hiện quanh 8-9%, còn lãi suất khoản vay cũ giảm rất hạn chế. "Lãi suất mới hấp dẫn nhưng doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp, chưa kể không đáp ứng được điều kiện có lợi nhuận trong bối cảnh kinh tế khó khăn để mà tiếp cận khoản vay ưu đãi này", người này chia sẻ.
Nữ nhân viên tín dụng của một ngân hàng thương mại trong nhóm đầu thị trường cũng cho biết các chương trình ưu đãi hay việc giảm lãi suất, hiện ngân hàng chỉ tập trung ở khách hàng vay mới. "Biểu lãi suất ưu đãi chủ yếu áp dụng trong 6 tháng, một năm hoặc hai năm đầu. Còn với những khoản vay cũ, mức giảm sẽ thấp hơn", nhân viên này nói.
Theo người này, với lãi suất tham chiếu, ngân hàng thường điều chỉnh định kỳ hoặc nhiều lần trong giai đoạn thị trường biến động mạnh. Và mức lãi suất này còn căn cứ theo chi phí vốn đầu vào và nhiều khoản phí cấu phần khác nên thường "giảm chậm, tăng nhanh". Còn biên độ cố định hiện nay đa phần trong khoảng 3-4%.
"Do biên độ cố định cao, trong khi lãi suất tham chiếu điều chỉnh giảm không nhiều nên không thể kỳ vọng lãi suất các khoản vay cũ giảm mạnh ngay", cô nói thêm.
Lý giải về việc lãi vay giảm chậm hơn huy động, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết vào cuối năm ngoái, do bối cảnh kinh tế và tình hình thanh khoản, lãi suất huy động ở mức cao nên các ngân hàng cũng phải tăng lãi suất cho vay để cân đối nguồn. Đến nay, lãi suất cho vay vẫn chịu một phần chi phí huy động cao từ cuối năm ngoái.
Tổng giám đốc một nhà băng tư nhân cũng nói với VnExpress rằng việc giảm lãi suất tùy thuộc vào chính sách từng ngân hàng, nhưng cần tính đến độ trễ của việc điều chỉnh giá vốn trong hoạt động.
Theo ông, lãi suất tiết kiệm giảm nhanh trong nửa năm gần đây, đồng nghĩa với việc ngân hàng huy động được lượng tiền gửi mới với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, cao điểm của thời kỳ lãi suất cao rơi vào tháng 12/2022 đến tháng 2/2023. Tức theo ông, các khoản huy động giai đoạn này vẫn chưa đáo hạn. Do đó, ngân hàng vẫn phải trả chi phí đầu vào cao.
"Giá vốn bình quân đầu vào của ngân hàng sẽ giảm mạnh hơn vào giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau (lúc các khoản huy động cũ với lãi suất cao đáo hạn), nên lãi suất cơ sở cũng được điều chỉnh thấp hơn ở giai đoạn này. Khi đó, lãi suất khoản vay cũ được kỳ vọng giảm mạnh hơn", ông nói.
Quỳnh Trang