Ủy ban châu Âu phát động cuộc điều tra chống trợ cấp xe điện Trung Quốc, điều có thể châm ngòi một cuộc thương chiến lĩnh vực này, theo Politico.
Giữa lúc ôtô điện Trung Quốc đang đổ bộ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hôm 20/9 phát động cuộc điều tra chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu từ nước này. Đó là bước đi có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến thương mại mới của khối này với nền kinh tế thứ hai thế giới, theo Politico.
"Thị trường toàn cầu hiện tràn ngập ôtô điện rẻ của Trung Quốc. Giá của chúng thấp nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ từ nhà nước", bà Ursula von der Leyen đánh giá. Theo bà, điều này đang "bóp méo" thị trường của châu Âu.
Các khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc đã giúp nước này trở thành nhà sản xuất thống trị công nghệ pin xe điện. Doanh số bán xe điện toàn cầu năm 2023 được dự báo tăng gần một phần ba, lên hơn 14 triệu chiếc, với trị giá 560 tỷ USD. Một số chính trị gia châu Âu cho rằng nếu không có sự cạnh tranh công bằng, ngành công nghiệp ôtô của EU sẽ thua thiệt.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys (Mỹ), xe điện Trung Quốc có thể chiếm 16,5% tổng doanh số bán hàng ở châu Âu năm 2025. Còn Kevin Kang, Kinh tế trưởng tại KPMG Trung Quốc, dự đoán thị phần của Trung Quốc năm này sẽ đạt 15%, khi các công ty như BYD, Nio và Li Auto được người tiêu dùng ưa chuộng.
Động thái của Ủy ban châu Âu làm hài lòng các bộ trưởng Pháp. "Tôi hoan nghênh cuộc điều tra. Nếu những khoản trợ cấp này không tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, châu Âu phải có khả năng chống trả", Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire, cho biết.
Chia sẻ quan điểm tại một cuộc họp báo chung với ông Le Maire tại Berlin (Đức) mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cũng ủng hộ quyết định này. Trung Quốc vẫn chưa bình luận, nhưng Phòng Thương mại nước này tại EU đã đăng trên X (trước đây là Twitter) để bày tỏ "mối quan ngại và phản đối mạnh mẽ" đối với cuộc điều tra. Bài đăng đã được đăng lại bởi Wang Lutong, người đứng đầu bộ phận châu Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Với việc Trung Quốc đã kiểm soát 60% sản lượng pin toàn cầu, EC lo ngại nếu không có biện pháp ứng phó, các công ty nước này sẽ giành quyền kiểm soát thị trường xe điện khi hai bờ Đại Tây Dương cam kết giải quyết ô nhiễm bằng cách loại bỏ dần phương tiện động cơ dùng nhiên liệu hóa thạch.
Mỹ cũng có mối bận tâm tương tự. Nhà Trắng muốn công nghệ Trung Quốc không đủ điều kiện nhận các khoản trợ cấp lớn nhằm khởi động ngành công nghiệp xe điện theo Đạo luật Giảm lạm phát. Nhưng đó là một vấn đề, vì ngay cả những công ty như Ford cũng phải nhận giấy phép công nghệ pin từ CATL của Trung Quốc, công ty sản xuất pin lớn nhất thế giới và có hai nhà máy ở châu Âu.
Thông báo của Von der Leyen đưa ra chưa đầy một tuần sau cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở New Delhi (Ấn Độ). Khi ấy, ông Cường kêu gọi bà "ủng hộ các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng, luôn mở cửa thị trường thương mại và đầu tư, cung cấp một môi trường công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử cho các doanh nghiệp Trung Quốc".
Động thái của bà Von der Leyen mang lại cho Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis đòn bẩy quan trọng trong các cuộc đàm phán với những người đồng cấp Trung Quốc khi ông đến thăm Bắc Kinh ngày 25/9. Dombrovskis kỳ vọng Trung Quốc sẽ giảm các rào cản thương mại đối với hàng xuất khẩu của châu Âu, giúp khắc phục thâm hụt thương mại song phương ngày càng lớn. Cuộc gặp này là một phần trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc dự kiến diễn ra cuối năm nay.
Người phát ngôn của EC cho biết Ủy ban tự mở cuộc điều tra chứ không phải để phản hồi các khiếu nại của doanh nghiệp. Sigrid de Vries, Tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA), nói cuộc điều tra là "tín hiệu tích cực" cho thấy Ủy ban đang xem xét nghiêm túc mối đe dọa đối với ngành ôtô châu Âu. "Lợi thế rõ ràng và hàng nhập khẩu có chi phí cạnh tranh của Trung Quốc đang tác động đến thị phần nội địa của các nhà sản xuất ôtô châu Âu", bà nói.
Nhưng lời kêu gọi của bà Von der Leyen đang gây tranh cãi. "Tôi lo ngại rằng Ủy ban mạo hiểm chiến tranh thương mại với Trung Quốc ở một khu vực rất nguy hiểm", nhà vận động hàng đầu của một thương hiệu lớn của Đức bình luận.
Các thương hiệu lớn của Đức đang tiếp xúc nhiều với thị trường Trung Quốc, sở hữu năng lực sản xuất khổng lồ tại Trung Quốc. Cho đến gần đây, Volkswagen là hãng bán chạy nhất ở đó, trong khi BMW và Mercedes thống trị thị trường xe cao cấp. Điều đó có nghĩa là bất kỳ biện pháp trả đũa nào từ Bắc Kinh đều có thể gây khó khăn cho Đức hơn bất kỳ ai khác. "Từ quan điểm kinh doanh, việc này có nguy cơ bị trả đũa", một nhà vận động hành lang ngành ôtô khác nói với Politico.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết ông đã tính đến ngành công nghiệp ôtô Đức khi đi đến kết luận rằng cạnh tranh công bằng là rất quan trọng. "Nếu cuộc điều tra này phát hiện ra những hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy tắc cạnh tranh, tất nhiên chúng ta phải hành động", ông nói.
Ngoài tranh cãi về nguy cơ châm ngòi "thương chiến xe điện", một số chuyên gia cho rằng vẫn chưa có căn cứ để thấy rõ rằng các hãng xe Trung Quốc đang xâm chiếm thị trường bằng cách bán phá giá xe điện rẻ tiền.
Matthias Schmidt, nhà phân tích ôtô độc lập nói rằng thực tế doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có thể bán xe kiếm lời ở châu Âu với mức giá cao hơn nhiều so với mức họ đưa ra ở Trung Quốc, sau khi đã cân nhắc chi phí vận chuyển và thuế quan.
Ngoài ra, trong khi chiến lược điện khí hóa của Trung Quốc được phát triển với sự hỗ trợ đáng kể của nhà nước, các nhà sản xuất ôtô nước này đang tập trung chú ý vào phân khúc cao cấp thay vì cắt giảm chi phí ở phân khúc phổ thông.
"Đừng quên Volkswagen đang bán phá giá thành công tại thị trường Trung Quốc, khi mẫu xe điện ID.3 của họ được niêm yết tại đây thấp hơn nhiều so với giá tại châu Âu", chuyên gia Matthias Schmidt nói.
Sau khi Ủy ban châu Âu chính thức bắt đầu cuộc điều tra chống trợ cấp, Bộ Thương mại của EC phải chứng minh được rằng Trung Quốc đang trợ cấp cho các công ty xuất khẩu xe điện sang EU và điều này đang gây tổn hại cho ngành công nghiệp xe hơi châu Âu.
Một luật sư thương mại cho rằng sẽ không dễ dàng trong việc tìm ra đủ bằng chứng để khởi kiện, đồng thời nói thêm rằng EC thường áp dụng "cách tiếp cận mang tính chính trị" đối với các cuộc điều tra như vậy. "Họ có thể lật ngược tình thế, nên ta có thể chờ xem một số cuộc vận động hành lang rất lớn", luật sư nói.
Simone Tagliapietra, chuyên gia của tổ chức tư vấn Bruegel cho rằng phát động điều tra là khởi đầu của một hành trình dài, đồng thời lưu ý sẽ cần có thời gian để áp thuế nhập khẩu. "Cuối cùng, nó có thể tiến hành, nhưng phải đi song song với chính sách công nghiệp tích cực nhằm đảm bảo ngành công nghiệp ôtô EU nhanh chóng phát triển khả năng cạnh tranh của mình", ông nhận định.
Phiên An (theo Politico)