Nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sản xuất nhưng tăng trưởng kinh tế năm nay khó vượt 6%, theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Ba kịch bản tăng trưởng quý IV và năm 2023 được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại phiên họp Chính phủ, ngày 30/9.
Theo đó, ở kịch bản thấp nhất, tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 5%, thì quý cuối năm cần tăng 7%. Kịch bản trung bình, GDP cả năm tăng 5,5%, quý IV phải tăng 8,8%.
Mức tăng khả quan nhất được Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo là khoảng 6%, nhưng để đạt được GDP quý IV phải tăng 10,6%. Đây là con số rất thách thức khi GDP quý III chỉ tăng 5,33%. Tức là, muốn đạt tăng trưởng 6% cả năm, quý cuối cùng phải có mức tăng gần gấp đôi quý III.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, và du lịch, tiêu dùng trong nước dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.
"Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phát huy nội lực và tận dụng cơ hội từ bên ngoài để phấn đấu đạt tăng trưởng cao nhất trong quý IV, tạo đà cho 2024", báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu.
Như vậy, các dự báo tăng trưởng kinh tế ở ba kịch bản Bộ Kế hoạch & Đầu tư đều thấp hơn mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đưa ra năm nay (6,5%). Thực tế, GDP năm nay khó vượt 6% cũng được các chuyên gia dự báo tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vào giữa tháng này, khi nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, suy giảm và chịu áp lực lớn từ bên ngoài.
Tại báo cáo gửi Chính phủ hôm nay, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng nhận xét, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục đối mặt thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính. Những vấn đề này được nhận diện, lãnh đạo Chính phủ quyết liệt tháo gỡ nhưng khó chuyển biến nhanh trong ngắn hạn.
Xuất khẩu giảm 8,2%, còn nhập khẩu cũng hạ gần 14% trong 9 tháng. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực vẫn tiếp đà giảm, như điện thoại và linh kiện giảm 13,4%. dệt may giảm hơn 12%, giày dép trên 18%... Sức cầu tại một số thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU... cải thiện hơn trước song vẫn khó khăn.
Trong khi đó, thị trường tiêu dùng trong nước phục hồi chậm, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn cao. Tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân còn khó khăn, khi dư nợ tín dụng tới 21/9 chỉ tăng trên 5,9%, trong khi cùng kỳ là 10,83%. Phát hành trái phiếu của doanh nghiệp đến giữa tháng 9 giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô", theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư.
Đầu tư khu vực ngoài nhà nước quý III tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng tăng 2,3%. Quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm, phản ánh khó khăn kinh tế trong ngắn hạn, và thách thức trong thúc đẩy sản lượng, gia tăng năng lực sản xuất mới trong trung và dài hạn.
Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục khó khăn, tiềm ẩn rủi ro, cần theo dõi sát và sẵn sàng ứng phó, nhất là sau vụ phá sản của một số doanh nghiệp bất động sản tại Trung Quốc, ảnh hưởng tới niềm tin, tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư. Mặt khác, áp lực điều hành tỷ giá gia tăng trong bối cảnh Fed có khả năng tiếp tục tăng lãi suất, kéo dài thắt chặt chính sách tiền tệ khiến giá đồng USD tăng cao trong tháng 9.
Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra, trong đó cơ quan này đề nghị chính sách giảm thuế, phí nên tiếp tục trong năm 2024. Riêng giảm thuế VAT cần kéo dài tới giữa năm 2024 do tình hình vẫn còn khó khăn.
Giải pháp nữa được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra, là huy động các nguồn lực trong, ngoài nước cho đầu tư phát triển, trong đó hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu, tăng xúc tiến và thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, đặc biệt công nghệ điện tử, bán dẫn...
Bộ này còn kiến nghị, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, tranh thủ cơ hội mới từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, hợp tác hình thành hệ sinh thái chịp, bán dẫn, sản xuất linh kiện. Trong đó, xây dựng trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực và trung tâm nghiên cứu phát triển, tiến tới thiết kế sản phẩm chip, bán dẫn ở Việt Nam.
Điều hành phiên họp hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, kết quả kinh tế - xã hội nhìn chung "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước", kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy vậy, kinh tế xã hội vẫn khó khăn, nên ông đề nghị các bộ ngành, địa phương phân tích, làm rõ thêm những thách thức mới để có phản ứng chính sách kịp thời, thúc đẩy được các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
"Các cấp, ngành, địa phương phải nỗ lực thế nào để nâng cao tính chủ động, linh hoạt, thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, chấm dứt tình trạng đùn đẩy, né tránh", Thủ tướng đặt vấn đề.