43 tuổi có 2 tỷ đồng nên nghỉ hưu về đầu tư không?

Chuyên gia khuyên ở tuổi 43, có 2 tỷ đồng, nên cân nhắc tìm môi trường hoặc công việc mới, song song với tham gia đầu tư tài chính từ tiền nhàn rỗi.

Tôi năm nay 43 tuổi, hiện làm quản lý kiêm phiên dịch cho công ty nước ngoài với mức lương khoảng 15-17 triệu đồng một tháng. Nhưng công việc rất áp lực và tôi thường xuyên bị stress.

Tôi đã có nhà và 2 mảnh đất ở quê cùng số vốn 2 tỷ đồng gửi ngân hàng. Do công việc quá áp lực nên tôi muốn nghỉ việc để về đầu tư sinh lời với số vốn đó nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Xin chuyên gia và độc giả cho tôi lời khuyên có nên nghỉ việc để đầu tư không và nên đầu tư vào lĩnh vực gì để sinh lời tốt nhất? Tôi chân thành cảm ơn.

Băng Nguyên

Nhân viên một ngân hàng đang đếm tiền khách gửi vào. Ảnh: Thanh Tùng

Nhân viên một ngân hàng đang đếm tiền khách gửi vào. Ảnh: Thanh Tùng

Chuyên gia tư vấn:

Ngày nay, áp lực công việc hàng ngày dễ khiến chúng ta mệt mỏi. Tuy nhiên trước khi quyết định xem có nên nghỉ việc ngay bây giờ không, bạn hãy cân nhắc những yếu tố sau.

Thứ nhất, hiện tại bạn có trách nhiệm tài chính nào không, điển hình là nợ vay phải trả? Nếu có, khoản nợ này là bao nhiêu, lãi suất thế nào, cần trả trong bao lâu? Việc thanh toán cần được ưu tiên thực hiện đều đặn và đúng tiến độ, để tránh áp lực lãi suất cộng dồn và những khoản phí phạt trả chậm, khiến khoản nợ ngày một lớn hơn.

Thứ hai, bạn có những người phụ thuộc về mặt tài chính nào và cần hỗ trợ tài chính cho người phụ thuộc ra sao? Ví dụ, những khoản trợ cấp thường xuyên cho cha mẹ, anh chị em, vợ chồng và con cái. Nếu các con chưa đến tuổi trưởng thành, bạn cần tính toán số tiền cần để đảm bảo việc học tập và chi phí sinh hoạt của con ít nhất đến khi được 18 tuổi.

Thứ ba, bạn đã chuẩn bị khoản tài chính cho những năm tuổi hưu của chính mình chưa? Nếu lựa chọn "nghỉ hưu sớm" ngay từ bây giờ, bạn cần tính toán khoản tiền cần có để trang trải sinh hoạt hàng tháng, cho ít nhất 32-37 năm nữa (đến khi 75-80 tuổi). Đây là vấn đề cần tính toán và chuẩn bị từ sớm để tránh việc thiếu hụt hoặc phụ thuộc tài chính những năm cuối đời. Bạn lưu ý các yếu tố có thể ảnh hưởng đến dòng tiền như lạm phát, nơi ở (thành phố, về quê hay đi nơi khác), chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe khi tuổi cao, sự thay đổi về nhu cầu chi tiêu, chẳng hạn như nhu cầu đi du lịch trải nghiệm nhiều hơn...

Ngoài ra, nếu bạn muốn xây dựng và để lại tài sản cho thế hệ sau, những tài sản này cụ thể là gì, giá trị như thế nào? Bạn sẽ cần thời gian và dòng thu nhập để tích lũy khoản tiền hoặc tài sản này.

Quan trọng không kém, bạn mong muốn mình sẽ làm gì khi nghỉ hưu (không đi làm văn phòng hàng ngày nữa) và thu nhập, chi phí tương ứng sẽ ra sao? Các hoạt động hàng ngày và giao lưu xã hội cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống tinh thần của bạn khi tuổi càng cao.

Sau khi cân nhắc các yếu tố kể trên, bạn có thể sử dụng phương pháp dòng tiền để tính khoản tiền sẽ có và cần có, lưu ý các yếu tố quan trọng như tốc độ lạm phát, tình hình kinh tế - xã hội, luật pháp... Quyết định nghỉ việc hay không khá quan trọng vì sẽ ảnh hưởng đến bức tranh tài chính, cuộc sống và tinh thần về lâu dài của bạn. Do đó, bạn hãy cân nhắc thận trọng.

Và nên đầu tư vào lĩnh vực gì? Trước khi tìm hiểu việc này, bạn hãy cân nhắc thực hiện 2 bước quan trọng.

Đầu tiên là trang bị cho mình một kế hoạch bảo hiểm nhân thọ. Đây là phương án quản trị rủi ro tài chính khi những bất trắc lớn xảy ra, như trường hợp bản thân gặp tai nạn hay bệnh nghiêm trọng. Mục đích của phương án dự phòng này là để giúp bạn và người thân nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn và cân bằng cuộc sống.

Chi phí phù hợp để tham gia bảo hiểm nhân thọ thông thường vào khoảng 5-8% thu nhập trung bình năm. Với nguồn thu nhập 15-17 triệu đồng mỗi tháng, phí bảo hiểm phù hợp sẽ khoảng 9-16 triệu đồng và bạn cần dòng tiền để duy trì "tấm áo giáp tài chính" này trong dài hạn.

Bước thứ hai là thiết lập quỹ dự phòng khẩn cấp để sẵn sàng chi tiêu trong các trường hợp cấp thiết như đau, ốm bất chợt, hỗ trợ người thân đột xuất... Khoản tiền dành cho quỹ này thường tương đương 3-6 tháng chi tiêu. Ví dụ chi tiêu của gia đình bạn là 8 triệu đồng mỗi tháng, quỹ dự phòng cần có là 24 triệu đồng (tương đương 3 tháng chi tiêu), nếu đã có kế hoạch bảo hiểm nhân thọ. Trường hợp chưa tham gia bảo hiểm, con số quỹ dự phòng nên là 48 triệu đồng (khoảng 6 tháng chi tiêu).

Bạn có thể trích số tiền này từ khoản tiết kiệm 2 tỷ đồng hiện có, chia ra vài khoản nhỏ, gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng. Mục đích là khi cấp thiết, bạn sẽ có ngay nguồn tiền để chi tiêu.

Về việc đầu tư, bạn nên xem xét đánh giá lại toàn bộ danh mục, bao gồm tất cả tài sản (nhà, đất) và tiền tiết kiệm hiện tại. Việc đầu tư sẽ hiệu quả khi danh mục tài sản của bạn đáp ứng các yếu tố sau: đem lại hiệu quả về tỷ suất sinh lời, tuy nhiên cần phải phù hợp với khẩu vị rủi ro trong từng giai đoạn cuộc sống (độ tuổi, sự nghiệp, mong muốn cá nhân...); có các lớp tài sản khác nhau để đảm bảo sự đa dạng của danh mục; có tính thanh khoản - là khả năng chuyển đổi tài sản thành dòng tiền khi cần thiết; đạt được sự tối ưu về rủi ro - phương án nào đem lại mức rủi ro thấp hơn mà hiệu suất không quá khác biệt

Dưới đây là vài lớp tài sản để bạn cân nhắc lựa chọn.

Tiết kiệm ngân hàng là phương án tích lũy khá an toàn, phù hợp với đối tượng có khẩu vị rủi ro thấp (6-7% mỗi năm). Nếu bạn mong đợi hiệu suất sinh lời cao hơn, đây không phải là phương án tối ưu để tăng trưởng tài sản. Do đó, vẫn nên giữ một phần trong tài khoản ngân hàng với các kỳ hạn phù hợp (lập quỹ dự phòng) và bạn cân nhắc sử dụng phần còn lại cho các phương án có thể mang lại hiệu suất cao hơn.

Vàng là công cụ phòng thủ lạm phát, duy trì giá trị theo thời gian, hiếm khi biến động lớn trong ngắn hạn. Bạn cân nhắc một tỷ trọng nhỏ trong danh mục ở phương thức này và nắm giữ trong dài hạn.

Bất động sản, lớp tài sản này có nhiều lựa chọn tương thích với các kỳ vọng về hiệu suất sinh lời và khẩu vị rủi ro khác nhau. Ví dụ, loại hình chung cư dưới 6 năm tuổi, bất động sản dân sinh sẽ phù hợp với kỳ vọng hiệu suất trung bình (8-10% mỗi năm); trong khi bất động sản vùng ven, đất nông nghiệp phù hợp với kỳ vọng và khẩu vị rủi ro cao hơn (12-15% mỗi năm). Đối với căn nhà và 2 mảnh đất ở quê sẵn có, bạn hãy xem xét vị trí, khảo sát giá trị thị trường và nghiên cứu nhu cầu tại địa phương, để đưa ra hướng sử dụng hoặc đầu tư phù hợp. Về mặt rủi ro, bạn nên xem xét kỹ tính pháp lý, tỷ trọng của lớp bất động sản trong tổng thể danh mục và khả năng thanh khoản.

Đầu tư chứng khoán, tích sản cổ phiếu vào thời điểm này còn nhiều tiềm năng và thị trường có thể đem lại các cơ hội tăng trưởng mạnh, khi tình hình kinh tế vĩ mô đang dần ổn định tới cuối 2024. Tuy nhiên, phương thức này sẽ chỉ phù hợp với nhà đầu tư có kỳ vọng và khẩu vị rủi ro cao (12-15% mỗi năm). Bạn cần phân bổ tài chính với một tỷ trọng hợp lý, không nên dồn toàn bộ tài sản vào một rổ. Lưu ý, tham gia thị trường chứng khoán cần kinh nghiệm thực tế và thời gian tìm hiểu các công ty niêm yết, theo dõi thông tin thị trường.

Ngoài ra, bạn có thể nghĩ đến dùng số vốn để mở kinh doanh riêng. Tuy nhiên, lựa chọn này yêu cầu kinh nghiệm quản lý hàng hóa, nhân sự; đồng thời công tác quảng bá, tìm kiếm khách hàng cũng không thể xem nhẹ.

Tóm lại, mỗi lớp tài sản và phương thức đầu tư đều có các lợi thế và rủi ro. Sở thích cá nhân và khả năng quản lý tài chính cũng là yếu tố cần xem xét khi lựa chọn phương thức đầu tư. Tính toán giá trị lâu dài của danh mục tài sản sẽ giúp bạn quyết định nghỉ việc lúc nào là hợp lý.

Theo thông tin được cung cấp, dường như bạn đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình. Bạn có thể tìm một nơi làm việc hoặc công việc khác để vẫn áp dụng được chuyên môn và cải thiện thu nhập, đồng thời thay đổi được môi trường làm việc tạo ra năng lượng tích cực hơn.

Lời khuyến nghị của tôi ngay lúc này là bạn có thể thực hiện việc đầu tư song song với quá trình tiếp tục làm việc. Theo đó, lợi thế lớn nhất nằm ở việc bạn vẫn có nguồn thu nhập là dòng tiền ổn định cho kế hoạch tích lũy lâu dài.

Đặng Thùy Trang
Chuyên gia Hoạch định tài chính cá nhân
Công ty Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT

Adblock test (Why?)