Mực nước tại kênh đào Panama - tuyến vận tải biển chủ chốt của thế giới - xuống thấp đến mức giới chức phải hạn chế số tàu đi qua.
Nhiều tàu thuyền đã chờ gần 4 ngày để được đi qua kênh đào Panama, theo Clarkson Research Services – công ty con thuộc hãng môi giới tàu biển lớn nhất thế giới Clarkson. Hơn hai tháng trước, thời gian chờ chỉ là hơn một ngày. Một số tàu thậm chí đã trễ hạn tới 20 ngày.
Kênh đào này nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Đây là tuyến vận tải biển quan trọng với thương mại toàn cầu, với hơn 500 triệu tấn hàng hóa đi qua mỗi năm. Các sản phẩm được chuyên chở qua kênh đào Panama rất đa dạng, từ ngũ cốc Mỹ Latin, dầu khí Mỹ và đặc biệt là hàng tiêu dùng như đồ gỗ, đồ chơi.
Tuy nhiên, vài tuần gần đây, giới chức địa phương bắt đầu hạn chế lượng tàu thuyền qua kênh. Tàu thuyền cũng buộc phải giảm độ chìm bằng cách bỏ bớt hàng hóa từ cuối tháng 5, do lượng mưa thiếu hụt làm giảm mực nước quanh kênh đào.
Độ sâu của hồ Gatun - một trong hai hồ lớn cung cấp nước cho kênh - đã xuống thấp nhất 7 năm hồi cuối tháng 7. Mực nước được dự báo thấp hơn trung bình 5 năm cho đến giữa tháng 10, kể cả khi vào mùa mưa tại Panama.
Hè này, thế giới ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục và cháy rừng nhiều nơi. Kênh đào Panama khô hạn cũng là hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu. Tại châu Âu, mực nước sông Rhine tháng trước xuống thấp, đe dọa nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức. Hãng vận tải biển Maersk gần đây cũng cảnh báo tàu thuyền đi qua sông Amazon (Brazil) có thể bị hạn chế giai đoạn tháng 9 - 12.
Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama đầu tháng này cho biết các số liệu thời tiết phản ánh "những thách thức chưa từng có tiền lệ". Mức độ khô hạn năm nay là "chưa từng có trong lịch sử".
Ngoài việc yêu cầu các thuyền giảm độ chìm, cơ quan này cũng giảm số suất đặt trước với các tàu loại lớn nhất. Quy định này đồng nghĩa giảm số tàu container được đi qua kênh này mỗi ngày.
Peter Sand – nhà phân tích tại hãng nghiên cứu vận tải hàng không và đường biển Xeneta cho biết các tàu thuyền đang tìm tuyến đường thay thế. Một số cân nhắc dùng tàu hỏa để dỡ hàng từ container ở Bờ Tây nước Mỹ và vận chuyển đi tiếp.
Theo hãng logistics Container xChange, nếu việc giảm tải trọng vẫn kéo dài, rủi ro là các doanh nghiệp sẽ chậm nhận được hàng hóa phục vụ cho lễ Giáng sinh. Khoảng 40% container đi từ châu Á sang châu Âu là qua kênh đào này. Điều đó đồng nghĩa tác động còn vượt ra khỏi khu vực Bắc Mỹ, CEO Container xChange Christian Roeloffs cảnh báo.
Việc này cũng sẽ tác động lên thị trường hàng hóa. Giá cước vận chuyển nhiên liệu tại Đại Tây Dương đang tăng vài ngày gần đây, do ách tắc trên kênh đào Panama khiến số tàu có thể hoạt động giảm sút. Tàu container được ưu tiên hơn các loại tàu khác khi đi qua kênh đào.
Vấn đề có thể càng nghiêm trọng nếu tình trạng khô hạn kéo dài quá tháng 9, thời điểm ngô và đậu nành Mỹ vào xuất khẩu sau khi thu hoạch, theo Bilal Muftuoglu – Giám đốc nghiên cứu nguyên liệu thô tại hãng môi giới tàu biển Howe Robinson Partners. Vì việc tắc nghẽn tại đây, ông cho rằng sẽ có ít chủ tàu sẵn sàng nhận chở hàng sang Đông Á hơn.
Một số tàu thì đã quyết định đổi tuyến. Hãng tàu International Seaways cho biết họ đã yêu cầu một tàu vòng qua Nam Mỹ để tránh ách tắc và phí cao tại kênh đào.
"Mực nước đang rất thấp. Sự ách tắc tại Panama sẽ không sớm được giải quyết đâu", Oystein Kalleklev – CEO hãng vận tải biển Flex LNG cho biết hồi đầu tháng.
Các nhà phân tích cũng cảnh báo thời tiết cực đoan có thể khiến sự cố mắc kẹt như tàu Ever Given tại kênh Suez năm 2021 diễn ra thường xuyên hơn. Hậu quả của việc này lên chuỗi cung ứng, an ninh lương thực và các nền kinh tế quanh kênh đào có thể còn lớn hơn nhiều.
"Tình hình năm sau có thể còn tệ hơn nữa, vì nửa đầu năm 2024 sẽ càng khô hạn do El Nino", Sand kết luận.
Hà Thu (theo Bloomberg, CNBC)