Fitch Ratings vừa hạ bậc tín nhiệm của Mỹ, từ mức cao nhất là AAA xuống AA+, một phần vì bế tắc trần nợ cách đây vài tháng.
Trong thông báo hôm 1/8, Fitch cho biết lý do hạ bậc là "chất lượng điều hành đi xuống". Ví dụ như bất đồng quanh vấn đề trần nợ công đầu năm nay, khiến Mỹ gặp rủi ro vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Trái phiếu chính phủ Mỹ từ lâu được coi là an toàn nhất trong nhóm công cụ trú ẩn. Tuy nhiên, động thái của Fitch cho thấy tài sản này đã phần nào mất sức hấp dẫn. Việc này có thể gây ra nhiều ảnh hưởng, từ lãi vay mua nhà tại Mỹ đến các hợp đồng được thực hiện trên khắp thế giới.
Nó cũng có thể khiến nhà đầu tư bán trái phiếu chính phủ Mỹ, kéo theo lợi suất tăng vọt. Lợi suất này hiện là tham chiếu cho lãi suất của nhiều khoản vay.
Giải thích về việc hạ tín nhiệm, Fitch cho biết họ dự báo "tình hình tài khóa của Mỹ sẽ xuống cấp trong ba năm tới, gánh nặng nợ công sẽ tăng cao và chất lượng quản trị đi xuống so với các nước có cùng xếp hạng AA và AAA trong hai thập kỷ qua". Fitch cho rằng những điều này khiến Mỹ liên tiếp rơi vào bế tắc khi đàm phán nâng trần nợ, và chỉ tìm được giải pháp vào phút chót.
Fitch cho biết quyết định của họ không chỉ dựa trên tình hình trần nợ mới nhất, mà là kết quả của việc "chất lượng quản trị giảm dần trong 20 năm qua, liên quan đến vấn đề tài khóa và nợ nần".
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng phản đối động thái của Fitch. "Tôi hoàn toàn không đồng tình với quyết định này. Đánh giá của Fitch là tùy tiện và dựa trên các số liệu đã cũ", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết hôm 1/8.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng phản đối quyết định này. "Rõ ràng là sự cực đoan của các quan chức đảng Cộng hòa - từ việc cổ súy vỡ nợ, làm giảm chất lượng quản trị và nền dân chủ, đến tìm cách gia hạn ưu đãi thuế cho người giàu và các tập đoàn - đã đe dọa kinh tế Mỹ", bà cho biết.
Lần gần nhất Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm là năm 2011, bởi S&P. Trong cả lần đó và lần này, trần nợ đều chỉ được nâng sau khi thời gian đàm phán đã kéo dài hàng tháng. Động thái của S&P khi đó đã có tác động rất lớn, khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh và lợi suất trái phiếu tăng cao.
Mức xếp hạng mới của Fitch khiến Mỹ ngang hàng với Áo và Phần Lan, nhưng xếp dưới Thụy Sĩ và Đức. S&P hiện vẫn duy trì mức tín nhiệm AA+ với Mỹ sau năm 2011. Trong khi đó, Moody’s xếp hạng Mỹ ở AAA - vẫn là mức cao nhất.
Các thị trường chưa chịu ảnh hưởng nhiều từ quyết định của Fitch, do được công bố ngoài giờ giao dịch. Giá vàng - công cụ phòng trừ rủi ro được ưa chuộng - hiện chỉ tăng 4 USD so với mức đóng cửa hôm qua, lên 1.948 USD một ounce.
Hà Thu (theo CNN)