Các nước khu vực ASEAN và Đông Bắc Á là những thị trường thu hút khách quốc tế đến đầu tiên của du lịch Việt Nam.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trả lời VnExpress về tương lai của du lịch Việt Nam hậu Covid-19.
- Khủng hoảng du khách hiện nay đặt ra cho du lịch Việt Nam những nhiệm vụ cấp bách nào, thưa ông?
- Trong 5 năm qua ngành du lịch Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao. Ngay từ tháng 1, Việt Nam ghi dấu ấn bởi tốc độ tăng trưởng kỷ lục của khách quốc tế đến, khi đón hơn 2 triệu người. Tuy nhiên, Covid-19 lan rộng tác động sâu sắc không chỉ với ngành du lịch mà còn các lĩnh vực khác, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch Việt Nam và thế giới nói chung. Cho đến thời điểm này, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt ở Việt Nam và một số nước trong khu vực, chúng tôi cho rằng du lịch Việt Nam trước hết cần khôi phục du lịch nội địa. Đây là nhiệm vụ trước tiên để tái khởi động hoạt động du lịch.
Tổng cục Du lịch đã tham mưu cho Bộ VHTTDL triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa "Người Việt Nam du lịch Việt Nam", nhận được hưởng ứng mạnh mẽ từ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch. Chúng tôi cho rằng, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhưng cần phải có sự điều phối, làm sao thống nhất các chương trình kích cầu nội địa, các điểm đến, các địa phương của cả nước để mang lại hiệu quả cao.
Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ gần đây nhất, Thủ tướng đã có kết luận giao Bộ VHTTDL phối hợp Bộ Ngoại giao nghiên cứu tham mưu đề xuất với Chính phủ mở cửa trở lại với du khách quốc tế. Đây là vấn đề Tổng cục Du lịch đã nghiên cứu và xây dựng những kịch bản khác nhau, khi liên quan đến thời gian và khả năng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam cùng các nước trong khu vực. Chúng ta phải khôi phục thị trường du lịch nội địa trước tiên và tiến đến chuẩn bị các điều kiện cần thiết, để khi các nước trong khu vực và trên thế giới kiểm soát dịch bệnh sẽ kiến nghị cho phép mở cửa trở lại với du khách quốc tế ngay.
- Các kịch bản nào được đưa ra để mở cửa trở lại đón du khách quốc tế trong thời gian tới, thưa ông?
- Hiện dịch bệnh đã được khống chế ở trong nước, vì thế ưu tiên số một từ nay đến cuối năm là phát triển du lịch nội địa, thị trường trước đây chúng ta chỉ dành cho khách quốc tế. Tuy nhiên, những chương trình dành cho khách quốc tế trước đó sẽ được chào bán và cung cấp tới khách nội địa với chất lượng tương đương và giá hấp dẫn, cạnh tranh, kéo dài đến cuối 2020.
Kịch bản đón khách quốc tế, nếu đến thời điểm 9/2020 dịch bệnh được khống chế ở một số thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam, thì chúng tôi xem xét kiến nghị với Chính phủ nới lỏng các hạn chế. Đồng thời cho tái khởi động quảng bá, xúc tiến thu hút khách quốc tế đến, trong trường hợp chúng ta có cơ chế công nhận các tiêu chuẩn kiểm soát y tế, dịch bệnh giữa Việt Nam và các nước có thị trường du lịch với mình.
Với kịch bản này, chúng tôi tính toán đến những thị trường gần, trong khu vực ASEAN và Đông Bắc Á, sẽ là những thị trường thu hút khách quốc tế đến đầu tiên. Như vậy khả năng trong quý 4 sẽ bước đầu có khách quốc tế đến Việt Nam.
Nếu dịch bệnh kéo dài hơn quãng thời gian đó, đến cuối năm, chúng ta tính đến phương án khác. Bởi cho đến thời điểm này diễn biến dịch bệnh khó lường, chúng tôi đã xây dựng các kịch bản nhưng rõ ràng là khó. Chúng tôi cho rằng kết thúc quý 3 an toàn thì kiến nghị Chính phủ tái khởi động việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam cũng như người Việt Nam đi du lịch tại những nước, với điều kiện đảm bảo y tế, an ninh, an toàn về dịch bệnh.
- Có phải nhiều năm qua chúng ta đã không thật sự chú trọng đến thị trường du khách trong nước, mải tập trung cho các chiến lược thu hút nguồn khách quốc tế, nên khi quay về với thị trường nội địa còn nhiều lúng túng?
- Đúng là trong thời gian vừa qua chúng ta tập trung nhiều vào việc thu hút khách quốc tế mà chưa dành sự quan tâm cần thiết cho thị trường khách du lịch nội địa. Nhưng đây là thời điểm vàng của ngành du lịch Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch cần phải xác định lại mục tiêu khách, từ đó xây dựng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu khách nội địa. Tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để dành nhiều thời gian và ưu tiên hơn cho việc nghiên cứu thị trường khách du lịch nội địa, để từ đó xây dựng những chính sách về sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt xây dựng chính sách giá phù hợp với du khách nội địa.
Cũng cần quan tâm nhất định đến việc đào tạo, huấn luyện nhân viên ở các điểm cung ứng dịch vụ du lịch để có thái độ phục vụ thân thiện hơn và kinh doanh bài bản, chuyên nghiệp hơn đối với thị trường khách quốc tế. Bên cạnh đó, chúng tôi đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh khách du lịch nội địa cần lưu ý đến công tác bảo vệ môi trường, cùng với việc đảm bảo phòng tránh dịch bệnh trong các doanh nghiệp. Đó là một trong các giải pháp thu hút và hấp dẫn du khách trong nước.
- Các nước đang tính toán đến hành lang du lịch an toàn kết nối du khách giữa hai hoặc ba quốc gia có hiệu quả kiềm chế dịch tốt, như giữa New Zealand và Australia. Liệu Việt Nam cũng tính đến phương án này đối với các nước trong khu vực, thưa ông?
- Xu hướng này hoàn toàn phù hợp trong dịch bệnh, tôi khẳng định như vậy. Chúng tôi đang cân nhắc tham mưu cho Bộ VHTTDL cũng như với Chính phủ để đón tiếp khách du lịch quốc tế đến từ những thị trường có thực tế kiểm soát dịch bệnh tốt. Chúng ta cần có một tiêu chuẩn để chứng nhận đảm bảo về y tế đối với những cá nhân có nhu cầu đi lại giữa các nước với nhau để xem xét về tính tương đồng đó.
Hiện nay chúng ta áp dụng QR Code về việc kiểm tra giấy chứng nhận đảm bảo y tế và làm sao liên thông được vấn đề này. Khi nào liên thông được chuyện này với nhau thì mới thừa nhận chứng nhận y tế của quốc gia đó cũng tương đồng với chứng nhận y tế của Việt Nam. Trên cơ sở đó có kiến nghị cho phép những người có chứng nhận sức khỏe tốt được vào Việt Nam để đi du lịch, nhằm tái khởi động du lịch quốc tế. Chúng ta đang cân nhắc về một hành lang du lịch an toàn như vậy.
Thực ra chúng tôi xem xét một số thị trường, dự đoán khả năng phục hồi cũng như kiểm soát dịch sớm được thực hiện tại mốt số nước gần như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và trong ASEAN. Trước mắt chúng tôi nghiên cứu tiêu chí, tiêu chuẩn về giấy chứng nhận sức khỏe của các nước này, làm sao có sự công nhận về những giá trị kiểm tra y tế, đảm bảo an toàn thì sẽ kiến nghị, đề xuất khách du lịch từ những nước này vào Việt Nam và ngược lại, cho khách Việt Nam sang những nước đấy.
- Tái cơ cấu ngành du lịch, bao gồm tái cơ cấu điểm đến, tái cơ cấu nguồn khách... là vấn đề được nhiều chuyên gia nhắc tới trong Covid-19. Việt Nam có kế hoạch nào cho vấn đề này, thưa ông?
- Tái cơ cấu là thuật ngữ trong khủng hoảng ai cũng nhìn nhận. Tuy nhiên, với Việt Nam những thị trường truyền thống vẫn đóng vai trò then chốt. Đối với thị trường khách truyền thống chúng ta phụ thuộc vào nguồn khách châu Á, nhất là Đông Á và Đông Bắc Á, ASEAN; thị trường khác là Bắc Mỹ, Úc, New Zealand, Đông Âu... Đó là những thị trường có tốc độ tăng trưởng khách đến Việt Nam cao. Chúng tôi cho rằng đối với những thị trường này cần làm mới về các dịch vụ, sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng những sản phẩm, dịch vụ sát với nhu cầu; có chính sách giá đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chúng ta cũng cần đa dạng hóa hơn các nguồn khách mới, đặc biệt là các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Đông... mà lâu nay chúng ta chưa dành sự quan tâm nhất định.
Vi Nguyễn
Ngành du lịch đang nỗ lực mở cửa trở lại các dịch vụ, từ hàng không đến khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí... Để các đơn vị cung ứng dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, VnExpress phối hợp cùng Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) thực hiện khảo sát mong muốn của khách tham quan về công tác phòng chống Covid-19 trên đường du lịch. Mời độc giả tham gia khảo sát .