Khí đốt tự nhiên tại châu Âu tăng hơn 20% trong vài ngày qua, do tin tức về cuộc đình công tại các cơ sở ở Australia.
Từ ngày 8/8, giá khí đốt tự nhiên Hà Lan - tham chiếu tại thị trường châu Âu - đã tăng 24% lên 40 euro (44 USD) một megawatt giờ. Giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ tháng này cũng tăng 18%.
Giá khí đốt tăng đúng thời điểm châu Âu chuẩn bị cho mùa sưởi ấm. Nguyên nhân là tin tức Offshore Alliance – tổ chức đại diện cho hai công đoàn tại Australia chuẩn bị cho cuộc đình công tại các cơ sở khí hóa lỏng của Chevron ở đây.
Người phát ngôn của Offshore Alliance cho biết họ muốn yêu cầu môi trường làm việc tốt hơn, đào tạo nhiều hơn và lương cao hơn. Các thành viên của Offshore tại một số cơ sở khí đốt ở North West Shelf (bang Western Australia) cũng ủng hộ việc đình công.
Nếu các cuộc đình công này được tiến hành, khoảng 10% hoạt động sản xuất khí hóa lỏng (LNG) toàn cầu có thể bị ảnh hưởng. "Dù khí hóa lỏng Australia gần như không bán sang châu Âu, việc nguồn cung bị mất đi có thể gây ra hiệu ứng lan truyền", Tom Marzec-Manser – Giám đốc phân tích khí đốt tại ICIS cho biết trên CNN. Ông giải thích khách châu Á có thể sẽ giành mua khí đốt với châu Âu.
Sau chiến sự Nga – Ukraine năm ngoái, châu Âu tức tốc tìm nguồn khí đốt mới thay thế Nga. Họ tăng cường nhập khí đốt tự nhiên Na Uy qua đường ống, đồng thời bổ sung LNG từ Mỹ và Qatar. Việc này đã giúp hạ nhiệt giá khí đốt tại châu Âu, từ mức đỉnh 300 euro một MWh tháng 8 năm ngoái.
Bill Weatherburn – nhà kinh tế học tại Capital Economics - cho biết nếu xuất khẩu LNG của Australia bị gián đoạn, người mua châu Á và châu Âu có thể rơi vào "cuộc chiến giá" để có hàng. "Giá khí đốt tự nhiên có thể còn lên cao hơn", ông cho biết.
Giá khí đốt tăng trong bối cảnh giá dầu thô gần đây cũng lên cao, chủ yếu do các nước sản xuất lớn cắt giảm nguồn cung, như Arab Saudi và Nga. Dầu Brent hiện cao hơn 21% so với cuối tháng 6 và cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Việc giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt cũng cho thấy khu vực này hiện phụ thuộc nhiều vào thị trường LNG toàn cầu, sau khi dừng nhập khí đốt tự nhiên từ Nga.
Tuy nhiên, khả năng xảy ra khủng hoảng năng lượng toàn diện như năm ngoái là rất thấp. Marzec-Manser cho biết nhu cầu khí đốt của châu Âu vẫn thấp và các cơ sở lưu trữ vẫn dồi dào.
Bên cạnh đó, rủi ro đình công kéo dài "dường như cũng không cao", Massimo Di Odoardo – Giám đốc phân tích khí đốt toàn cầu tại Wood Mackenzie nhận định. "Chính phủ các nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, sẽ gây sức ép buộc chính phủ Australia sớm giải quyết vấn đề", ông nói.
Đại diện của Chevron cũng khẳng định sẽ "tiếp tục nói chuyện với công nhân và các công đoàn để tìm ra giải pháp phù hợp cho cả đôi bên".
Hà Thu (theo CNN)