Với đóng góp của Guyana và Brazil, Mỹ Latinh đang trên đường trở thành một nhà sản xuất dầu lớn của thế giới trong thập kỷ này.
Trên mặt nước xanh thẳm ngoài khơi Guyana, những con tàu FPSO đang hút dầu từ các mỏ dầu cách mặt biển 3 km dưới lòng đại dương. FPSO (Floating Production, Storage, and Offloading) là loại tàu đặc biệt trong ngành dầu khí, được thiết kế để khai thác, lưu trữ và xả dầu từ mỏ ngoài khơi. Chúng đang đổi đời cho một trong những quốc gia nhỏ nhất và nghèo nhất Nam Mỹ.
Năm 2015, ExxonMobil đã phát hiện ra mỏ dầu thứ nhất trong tổng trữ lượng 11 tỷ thùng dầu đã được tìm thấy tại đây, tương đương khoảng 0,6% tổng lượng dầu trên thế giới. Việc khai thác bắt đầu từ 3 năm trước và đang tăng tốc. Đến năm 2027, năng lực sản xuất có thể đạt hơn một triệu thùng mỗi ngày, đưa Guyana trở thành một trong 20 nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
Dầu mỏ thành món lợi khổng lồ với quốc gia 800.000 dân này. Các chính trị gia nước ngoài đã quan tâm đến Guyana nhiều hơn. Ngày 6/7, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã đến thăm.
Bước tiến của Guyana đang hồi sinh ngành sản xuất dầu mỏ ở Mỹ Latinh. Theo báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản xuất dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 5,8 triệu thùng từ nay đến năm 2028. Khoảng một phần tư nguồn cung thêm sẽ đến từ Mỹ Latinh. Sau một thập kỷ giảm sút, sản xuất dầu mỏ ở đây đang có xu hướng tăng. Brazil, Guyana và Argentina sẽ tăng trưởng sản lượng nhưng các nước khác giảm đi.
Brazil và Guyana có khả năng hưởng lợi nhiều hơn so với các nhà xuất khẩu khác. Ở Guyana, ExxonMobil và đối tác đang tăng tốc đưa dầu vào thị trường. "Mục tiêu của chính phủ và chúng tôi cũng là tăng cường phát triển nguồn tài nguyên ở đây càng nhanh càng tốt", Meghan Macdonald, Phát ngôn viên công ty nói. Một phần lý do là để tối đa hóa lợi nhuận trong khi giá dầu đang cao.
Ở Brazil, sự bùng nổ đã lấy đà từ nhiều thập kỷ trước. Năm 2006, các kỹ sư tại Petrobras - công ty dầu khí nhà nước của Brazil, đã có một khám phá chấn động. Ngoài khơi bờ biển São Paulo, dưới 3 km nước và thêm 5 km đá, muối, là một trong những mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới.
Với Tổng thống lúc bấy giờ là Luiz Inácio Lula da Silva, phát hiện này đã chứng minh rằng "Chúa là người Brazil". Những mỏ dầu tiền muối hay dầu pre-salt (tức dầu dưới lớp đá muối sâu ở đáy biển) được cho là vô tận. Đã có hơn một trăm giếng khoan được lắp đặt, và mỗi giếng đều phun ra một lượng dầu khổng lồ. Sản xuất từ các mỏ dầu pre-salt tăng từ 41.000 thùng mỗi ngày vào năm 2010 lên đến 2,2 triệu thùng mỗi ngày năm ngoái.
Các mỏ dầu pre-salt đã đưa Brazil từ một nước sản xuất dầu nhỏ thành nước lớn thứ tám thế giới. Địa chất cùng với các khoản đầu tư của Petrobras vào công nghệ ngoài khơi mới nhất, giúp cho việc khai thác trở nên đặc biệt hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Theo Schreiner Parker, Phó chủ tịch công ty tư vấn Rystad Energy, Brazil và Guyana có thể sản xuất dầu có lãi ở mức 35 USD mỗi thùng, thấp hơn một nửa so với giá một thùng dầu hiện nay. Lượng CO2 tương đương thải ra trên mỗi thùng là 10 kg, so với mức trung bình toàn cầu là 26 kg.
Petrobras có kế hoạch chi gần một nửa ngân sách thăm dò trị giá 6 tỷ USD của mình trong 5 năm tới ở rìa xích đạo, một khu vực ở đông bắc Brazil gần Guyana. Chính phủ Brazil hy vọng khu vực này sẽ chứa tới 10 tỷ thùng dầu có thể khai thác, gần tương đương với các mỏ dầu pre-salt.
Cơ quan quản lý môi trường của Brazil gần đây từ chối cấp phép cho Petrobras khai thác ở đó nhưng tập đoàn tuyên bố sẽ kháng cáo. Họ được hậu thuẫn bởi một số chính trị gia lớn. Ví dụ, Alexandre Silveira, Bộ trưởng Mỏ, đã gọi rìa xích đạo là "tấm hộ chiếu đến tương lai". Từ nợ nần hơn 100 tỷ USD vào 2015, năm ngoái lợi nhuận của Petrobras đạt mức kỷ lục 36 tỷ USD.
Nhưng không dễ để Mỹ Latinh thịnh vượng nhờ dầu mỏ. Nơi đây có trữ lượng dầu đã được chứng minh lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Đông, nhưng các công ty nhà nước của họ đã nhiều lần bỏ lỡ cơ hội, theo Economist. Không giống như hầu hết quốc gia vùng Vịnh, các chính phủ trong khu vực nói chung đã thất bại trong việc thành lập các quỹ đầu tư quốc gia để chuyển doanh thu từ dầu mỏ vào các khoản đầu tư dài hạn.
Thay vào đó, họ trở nên phụ thuộc vào dầu mỏ như một nguồn thu ngoại tệ và thu ngân sách. Trong đó, Chính phủ Ecuador phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Mỹ Latinh (không tính Venezuela).
Theo phân tích của Đại học Boston, nguồn thu tài chính từ hoạt động thăm dò và sản xuất dầu chiếm 24% tổng nguồn thu của chính phủ từ năm 2015 đến 2019. Bất chấp giá dầu cao, sản lượng dự kiến sẽ giảm từ 460.000 thùng mỗi ngày hiện nay xuống còn 370.000 vào năm 2028.
Nhiều nhà sản xuất dầu mỏ truyền thống của Mỹ Latinh cũng ngày càng tụt hậu. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 1998, tập đoàn PDVSA của Venezuela chiếm 5% nguồn cung toàn cầu, với sản lượng 3,4 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, sau các biến động địa chính trị, sản lượng của họ giờ chỉ còn 700.000 thùng mỗi ngày. Từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2023, họ chỉ nhận được 4 tỷ USD thanh toán, mặc dù xuất khẩu dầu trị giá 25 tỷ USD, do chịu các lệnh trừng phạt.
Trường hợp của Venezuela là cực đoan, nhưng quản lý yếu kém và bất ổn chính sách là điều bình thường tại Mỹ Latinh. Francisco Monaldi, chuyên gia của Đại học Rice (Houston, Mỹ), nếu tất cả dầu của khu vực được khai thác với cùng chuyên môn và trong một môi trường pháp lý tương tự như ở Texas thì Mỹ Latinh sẽ sản xuất nhiều dầu hơn Mỹ, thay vì chỉ bằng một nửa như hiện tại. Mexico, Colombia và Ecuador chỉ sản xuất 3,8% sản lượng toàn cầu vào năm 2021.
Pemex, một công ty nhà nước của Mexico là công ty dầu mỏ mắc nợ nhiều nhất thế giới với hơn 100 tỷ USD. Đến tháng 5, các nhà máy lọc dầu của nước này xử lý chưa đến một nửa lượng dầu mà họ có thể hoạt động hết công suất. Các trữ lượng dầu mới nằm ở vùng nước sâu thì Pemex không thể khai thác vì thiếu kinh phí hoặc công nghệ.
Hiến pháp mới của Ecuador năm 2008 đã tăng cường kiểm soát của nhà nước với dầu mỏ, cản trở những nỗ lực hiện đại hóa Petroecuador. Petroecuador có kế hoạch mở rộng sản xuất trong và xung quanh rừng nhiệt đới Amazon. Công ty ước tính rằng sản lượng ở khu vực này có thể mang về gần 14 tỷ USD vào năm 2043, tương đương với 13% GDP hiện tại của đất nước.
Nhưng triển vọng cũng khá xa vời. Vào ngày 20/8, người dân Ecuador sẽ bầu ra tổng thống và cơ quan lập pháp mới, đồng thời bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc có nên ngừng tất cả hoạt động sản xuất tại các khu vực của công viên quốc gia rừng nhiệt đới Amazon hay không. Nhiều cử tri đang ủng hộ việc dừng khai thác.
Một số quốc gia như Argentina gặp may hơn. Các lệnh trừng phạt với dầu mỏ của Nga đã thúc đẩy sản xuất ở Vaca Muerta, một mỏ dầu khổng lồ ở phía tây Argentina. Nước này nắm giữ trữ lượng khí đá phiến lớn thứ hai và trữ lượng dầu đá phiến lớn thứ tư thế giới, nhưng đã phải vật lộn để thu hút đầu tư trong nhiều thập kỷ. Rystad Energy dự kiến sản lượng dầu đá phiến ở Argentina sẽ tăng hơn gấp đôi vào cuối thập kỷ này, lên hơn một triệu thùng mỗi ngày.
Trên khắp khu vực, sụt giảm doanh thu từ dầu mỏ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) tính toán nếu thế giới hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C thì doanh thu ở Mỹ Latinh có thể giảm dần xuống còn khoảng 1.300-2.600 tỷ USD vào năm 2035.
Gia nhập thị trường dầu mỏ muộn có thể giúp Guyana tránh một số sai lầm, ví dụ doanh thu từ dầu mỏ bị lãng phí bởi các chế độ quản lý yếu kém của chính quyền. Bharrat Jagdeo, Phó tổng thống Guyana, cho biết chính phủ "rất ý thức" về những sai lầm của các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác.
Kể từ khi giành lại quyền lực vào năm 2020, đảng của Jagdeo đã thắt chặt luật quản lý quỹ tài sản quốc gia. Ông phủ nhận ngành công nghiệp dầu mỏ đang mâu thuẫn với nỗ lực khử carbon của đất nước, lập luận rằng doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt là cần thiết để giúp đất nước hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn mực nước biển dâng cao.
Dầu chắc chắn sẽ biến đổi đất nước nhỏ bé này. Robin Muneshwer, một chủ đất cho ExxonMobil thuê mặt bằng bên bờ biển nói rằng câu hỏi đặt ra là "Guyana sẽ là một Singapore, Dubai, Trinidad, Nigeria hay Venezuela? Hoặc đâu đó ở giữa mức độ phát triển của những nơi đó".
Phiên An (theo The Economist)