Trong một tháng tổ chức Lễ hội pháo hoa, Đà Nẵng đón hơn 942.000 lượt khách lưu trú, tăng 29% so với dịp lễ hội pháo hoa năm 2019.
Theo UBND TP Đà Nẵng, việc tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) 2023 sau 3 năm tạm dừng vì dịch bệnh đã thu hút lớn khách du lịch. Lễ hội năm nay khai mạc ngày 2/6 và kết thúc ngày 8/7.
Với hơn 942.000 lượt khách lưu trú trong hơn một tháng diễn ra lễ hội pháo hoa, các cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng đã phục vụ hơn 3,5 triệu lượt khách trong 6 tháng đầu năm, đạt 83% kế hoạch năm 2023.
Lượng khách này gấp 2,1 lần so với cùng kỳ 2022, tăng 4,4% so với 6 tháng đầu năm 2019 (3,35 triệu lượt), thời điểm phát triển hưng thịnh của thành phố trước đại dịch Covid-19.
Năm nay, Đà Nẵng đã đón 930.000 lượt khách quốc tế, đạt 182% kế hoạch và gấp 11,3 lần so với cùng kỳ 2022; khách nội địa ước đạt hơn 2,57 triệu lượt, đạt 69% kế hoạch, tăng 67,7% so với cùng kỳ 2022.
Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, UBND TP Đà Nẵng cho biết doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành 6 tháng qua ước đạt 6.231 tỷ đồng, tăng 99% so với cùng kỳ 2022 và 12,2% so với 6 tháng năm 2019; doanh thu ăn uống đạt 6.340 tỷ đồng.
Dù lượng khách và doanh thu đều tăng, nhưng số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm ở Đà Nẵng lại ít. Cụ thể, số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm tính chung 6 tháng là 1,71 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 2,21 ngày/lượt; khách trong nước là 1,42 ngày/lượt.
Con số này thấp hơn cùng kỳ năm 2022, khi khách tính chung là 2,57 ngày/lượt; khách quốc tế 1,96 ngày/lượt và khách trong nước 2,61 ngày/lượt. Trong năm nay, số ngày lưu trú bình quân của Đà Nẵng cũng thấp hơn Khánh Hoà và Bình Định, lần lượt là 2,52 và 1,74 ngày/lượt.
Lý giải nguyên nhân, UBND TP Đà Nẵng cho biết điểm đến Đà Nẵng chịu sự cạnh tranh mạnh với các điểm đến du lịch nội địa trong nước. Bên cạnh đó, Đà Nẵng gần Quảng Nam và Huế nên du khách có nhiều sự lựa chọn để kết hợp tham quan du lịch, lưu trú, mua sắm.
Chính quyền thành phố cũng nhìn nhận các sản phẩm và dịch vụ du lịch tại thành phố vẫn chưa thật thu hút để kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách; dịch vụ chưa chuyên nghiệp so với thời điểm trước dịch, thuộc nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; có sự cạnh tranh chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Bên cạnh đó, thành phố thiếu các công ty lữ hành có quy mô, năng lực đảm bảo chuyên khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng, lưu trú dài ngày; chưa có hệ thống phương tiện công cộng hiện đại, phổ biến để kết nối các điểm đến du lịch của Đà Nẵng với các điểm kết lân cận, giúp du khách thuận tiện đi tham quan, du lịch nhưng vẫn lưu trú hoàn toàn tại Đà Nẵng.