Lạm phát tại khu vực đồng euro tiếp tục đi xuống trong tháng 6, nhờ giá nhiên liệu giảm bù lại mức tăng trong ngành dịch vụ.
Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) hôm 30/6 cho biết lạm phát tại 20 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu là 5,5% trong tháng 6. Tốc độ này giảm so với 6,1% tháng trước đó. Đây là tháng thứ 7 trong 8 tháng qua chỉ số này đi xuống.
"Lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại", Frederik Ducrozet – Giám đốc nghiên cứu vĩ mô tại Pictet Wealth Management cho biết. Giá nhiên liệu giảm đóng góp phần lớn vào việc lạm phát hạ nhiệt.
Tuy nhiên, lạm phát cơ bản (đã loại bỏ giá năng lượng và lương thực) – vốn được ECB coi là phản ánh tình hình sát hơn – chỉ giảm từ 6,9% về 6,8%. Mức giảm này thấp hơn rất nhiều kỳ vọng của các quan chức.
"Lạm phát cơ bản có thể vẫn trên 5% trong các tháng tới, đòi hỏi ECB tăng lãi nhiều hơn nữa", Ulrike Kastens – nhà kinh tế học tại DWS dự báo.
Lạm phát ngành dịch vụ cũng tăng tốc, từ 5% lên 5,4%. Điều này phản ánh tiêu dùng vẫn sôi động, bất chấp lãi suất cao. Nguyên nhân có thể là tình hình việc làm ổn định. Tỷ lệ thất nghiệp tại eurozone hiện vẫn ở mức thấp kỷ lục, với 6,5% tháng 5, theo Eurostat.
Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất 9 lần liên tiếp và dự định tăng tiếp trong tháng 9 tới. Lãi suất tại đây hiện cao nhất 22 năm. ECB dự báo lạm phát vẫn sẽ trên mục tiêu là 2% cho đến cuối năm 2025.
Tuần này, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết họ không thể dừng nâng lãi sớm. Dù vậy, chiến dịch này đang chịu sức ép từ Italy và Bồ Đào Nha. Hai nước trên lo ngại tác động của lãi cao với các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nếu tính riêng từng quốc gia, Đức là nước duy nhất có lạm phát tăng tốc. Lạm phát tại đây tháng trước là 6,8%, tăng so với 6,3% trước đó.
"Công việc của ECB vẫn rất khó khăn, khi các số liệu cho thấy lạm phát đang có sự phân hóa giữa các nước", Neil Shah – Giám đốc nghiên cứu tại Edison Group cho biết.
Hà Thu (theo Reuters)