Khi Liên minh châu Âu soạn thảo dự luật nhằm kiềm chế sự biến động của giá điện, Pháp lại đụng độ Đức về tương lai điện hạt nhân.
Dự luật cải cách thị trường điện đang được Ủy ban châu Âu soạn thảo trở thành thách thức lớn cho nhu cầu hiện đại hóa các nhà máy điện hạt nhân của Pháp. Vì vậy, nước này đã gửi các văn bản thuyết phục Ủy ban xem xét các vấn đề của họ, nhưng lại vấp phải sự phản đối gay gắt từ Đức và các đồng minh.
Ngay cả những đồng minh truyền thống của Pháp trong lĩnh vực điện hạt nhân gồm khối Đông Âu và Phần Lan cũng đang thể hiện sự ủng hộ một các thận trọng. Pháp đang cố gắng tập hợp sự ủng hộ của các nước trước kỳ nghỉ hè nhưng vẫn còn khá mong manh, theo nguồn tin của Le Monde.
Sau khi giá năng lượng tăng đột biến vào mùa hè năm 2022 do xung đột Ukraine, Ủy ban châu Âu đã trình một dự luật vào ngày 14/3 để hạn chế sự biến động của giá điện, miễn là chúng được khử cacbon.
Dự luật định cho phép các quốc gia thành viên trợ cấp sản xuất năng lượng trên lãnh thổ của họ, cho dù từ các nguồn năng lượng tái tạo hay hạt nhân, mà không vi phạm luật viện trợ. Nó cũng sẽ cho phép các nước tăng thuế đột xuất đối với các nhà sản xuất điện khi giá tăng cao.
Đối với Đức và các đồng minh như Luxembourg và Áo, Pháp không được tận dụng luật mới này để tài trợ cho chương trình nâng cấp nhằm kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân. "Berlin hoảng sợ vì ngành công nghiệp của họ đang mất khả năng cạnh tranh. Họ muốn giữ giá điện cao để Pháp không được hưởng lợi từ điện hạt nhân", một nhà ngoại giao ủng hộ điện hạt nhân nói.
Đức, với số lượng ngày càng tăng của các dự án năng lượng tái tạo, ủng hộ cơ chế do Ủy ban đề xuất để trợ cấp xây dựng các nhà máy điện mới. Các đồng minh của Pháp - những nước không có quy mô điện hạt nhân lớn - thì họ quan tâm đến việc làm sao có thể hỗ trợ tài chính cho các nhà máy điện mới. Do vậy, "Paris có nguy cơ bị cô lập trong cuộc chiến của mình", một nguồn tin giải thích.
Tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu ngày 29 và 30/6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về vấn đề này nhưng không đạt được đồng thuận. Họ từng dự định thảo luận lại vào ngày 3/7, bên lề chuyến thăm cấp nhà nước của tổng thống Pháp tới Đức. Tuy nhiên, Điện Elysée buộc phải hủy bỏ chuyến đi này do bạo loạn xảy ra sau cái chết của cô gái trẻ Nahel. Kể từ đó, tình hình thảo luận giữa hai nước không có tiến triển.
Không muốn Pháp tận dụng dự luật mới, Đức đồng thời cũng muốn được trợ cấp nhiều hơn chi phí điện cho các ngành công nghiệp sử dùng nhiều năng lượng của nước này. Họ dự định tung ra gói 30 tỷ euro từ nay đến năm 2030, nhưng cần có sự cho phép của Ủy ban châu Âu thì không phù hợp các quy tắc hiện hành. "Ở Đức, năng lượng chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Điều này nằm ngoài phạm vi mà dự luật cải cách thị trường điện của Ủy ban đưa ra", nguồn tin nói thêm.
Pháp cũng đang thất thế ở Nghị viện châu Âu, Ủy ban Công nghiệp đã sửa đổi bản dự thảo cải cách ngày 19/7, khiến việc hỗ trợ của chính phủ cho các nhà máy điện hạt nhân khó khăn hơn. "Pháp thua cuộc trong Ủy ban Công nghiệp, nhưng cuộc chiến sẽ được diễn lại trong phiên họp toàn thể vào tháng 9 và hơn hết là trong Hội đồng châu Âu", Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị viện châu Âu, nói.
Kể từ khi Berlin quyết định loại bỏ dần năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011, Pháp và Đức đã bất hòa về số phận của năng lượng nguyên tử ở châu Âu. Đó là một cuộc chiến kinh tế, chính trị và ngoại giao không hồi kết, và thêm kịch tích bởi nóng lên toàn cầu và xung đột ở Ukraine.
Đối đầu này được tiến hành trên thực tế là hàng loạt các dự luật khác nhau của EU, được thiết kế để khử cacbon cho nền kinh tế châu Âu, tăng cường sự độc lập về năng lượng và ngăn chặn sự tăng vọt của giá điện như năm ngoái.
Đôi khi, Paris thắng một hiệp, như trong cuộc tranh luận gay cấn về việc đưa được năng lượng hạt nhân vào phân loại và dán nhãn cho các hoạt động xanh để hướng dẫn đầu tư tư nhân. Nhưng vào những thời điểm khác, Berlin lại chiếm thế thượng phong, ví dụ như dự thảo luật do Ủy ban châu Âu trình vào ngày 16/3, nhằm hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp khử cacbon ở châu Âu. Dự luật vẫn phải được đàm phán tại Nghị viện châu Âu và giữa 27 quốc gia thành viên, nhưng bước đầu không có lợi cho Paris.
Dù vậy, người châu Âu thường xuyên đưa ra những thỏa hiệp phức tạp cho phép cả hai bên đạt được nhiều hơn hoặc ít hơn những gì họ muốn. Đơn cử như trường hợp của "Chỉ thị năng lượng tái tạo". Chính sách này quy định đến năm 2030, 42,5% nguồn cấp năng lượng của châu Âu là điện gió và mặt trời. Được thông qua giữa tháng 6 sau những thảo luận rất gay gắt, Chỉ thị cuối cùng đã cho phép Pháp tính đến hydro được sản xuất từ điện hạt nhân khi đo lường những năng lượng xanh của đất nước
Phiên An (theo Le Monde)