5 tháng đầu năm, nhiều quốc gia ở châu Á và Trung Đông ồ ạt mua gạo Việt với kim ngạch tăng từ 30% đến vài chục lần.
Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết xuất khẩu gạo 6 tháng đạt 4,2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,32 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm đạt 517 USD một tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ 2022 (489 USD một tấn).
Nửa đầu năm nay, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam có thị phần chiếm 42,4% với số lượng 1,5 triệu tấn, tương đương hơn 772 triệu USD. Tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch 364 triệu USD, tăng 72,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài 2 quốc gia trên, năm nay, Indonesia từ vị trí thứ 8 vươn lên top 3 quốc gia mua gạo Việt nhiều nhất, chỉ sau Philippines và Trung Quốc. 5 tháng đầu năm, Indonesia mua hơn 181 triệu USD gạo từ Việt Nam, tăng 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Từng mua rất ít gạo Việt, năm nay Chile và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng mua 28 và 132 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nguyên nhân khiến các nước này tăng nhập gạo Việt là do hiện tượng "EL Nino xuất hiện" buộc nhiều quốc gia tăng mua để dự trữ.
Tại Philippines, Bộ Nông nghiệp nước này dự báo El Nino trở lại, nguy cơ ảnh hưởng nặng nề tới sản lượng lương thực nội địa của họ.
Còn Chính phủ Indonesia dự báo El Nino có thể gây hạn hán tại nước này từ tháng 5 đến tháng 7 nên diện tích và sản lượng ở vụ thu hoạch tháng 7-8 đối với các mặt hàng nông sản có thể sụt giảm mạnh. Indonesia dự kiến nhập 2 triệu tấn gạo trong năm nay bất chấp giá gạo liên tục tăng.
Tương tự, tại Chile và Thổ Nhĩ Kỳ, hạn hán cũng đe dọa mùa màng các quốc gia này trong nhiều năm qua.
Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions dự báo thị trường gạo toàn cầu 2023 đối mặt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua. Dự đoán lượng thiếu hụt khoảng 8,7 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023, mức cao nhất kể từ niên vụ 2003-2004 (đạt 18,6 triệu tấn).
Hiện, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đến 156 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường ngày càng đa dạng, chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng chất lượng, giá trị gia tăng cao, thâm nhập được vào nhiều thị trường gạo cao cấp.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức bằng và cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Cụ thể, ngày 23/6, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 503 USD một tấn, tăng 5 USD một tấn so với 10 ngày trước đó, bằng với giá gạo 5% tấm của Thái Lan và cao hơn khoảng 15 USD một tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ.
Thi Hà