Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nói về việc sáp nhập Vincommerce

Nói về quyết định M&A với Vincommerce, ông Nguyễn Đăng Quang nói "không phải ai cũng đồng tình" nhưng đây là "bước nhảy vọt mang tính cách mạng" của Masan.

Phần chia sẻ này của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan được đưa ra trong báo cáo gửi cổ đông mới công bố. Đây cũng là lần đầu ông Quang chia sẻ về "hậu trường" việc sáp nhập Masam Consumer - công ty thành viên của Masan với Vincomerce - công ty thành viên của Vingroup. 

Ông Quang cho biết, vụ M&A này không phải ai cũng ủng hộ bởi nhiều người nói rằng, "bán lẻ là một sân chơi hoàn toàn khác". "Nhưng đối với chúng tôi, tất cả đều bắt đầu bằng việc đặt người tiêu dùng làm trọng tâm và đây cũng chính là thế mạnh của chúng tôi", ông Quang giải thích.

Nói về lý do chọn Vincomerce, người đứng đầu Masan cho biết, công ty này là nền tảng bán lẻ lớn nhất về số lượng điểm bán và chiếm 25% thị phần kênh bán lẻ hiện đại. Bên cạnh đó, hệ thống này đang trên đà đạt lợi nhuận tại khu vực Hà Nội (chiếm 45% doanh thu của Vincomerce trong năm 2019) và mang lại giá trị cộng hưởng cho MEATDeli - thương hiệu thịt sạch của Masan.

Hai sản phẩm của Masan được bày bán tại VinMart. Ảnh: Hoài Thu

Hai sản phẩm của Masan được bày bán tại VinMart. Ảnh: Hoài Thu

Theo ông Quang, hệ thống phân phối và sự phổ biến của sản phẩm luôn là điều quan trọng với người tiêu dùng. Tuy nhiên việc tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới và khả năng phục vụ mọi lúc, mọi nơi đang là nhu cầu cơ bản. Do đó, việc kết hợp nền tảng bán lẻ hiện đại của Vincomerce với 300.000 điểm bán lẻ truyền thống của Masan sẽ tạo ra lợi thế để xây dựng một hệ thống bán lẻ hiện đại, xuyên suốt phục vụ người tiêu dùng.

Sau sáp nhập, Masan thành lập ra một công ty tiêu dùng, theo Masan, là lớn nhất Việt Nam. Masan là cổ đông nắm 70% của công ty mới. Trong đó, công ty mới này sẽ nắm 85,7% cổ phần của Masan Consumer và 83,7% tại Vincomerce.

Trong năm 2020, Masan đặt mục tiêu đưa ra lộ trình để hệ thống này đạt được điểm hòa vốn ở mức độ EBITDA. Dự kiến, chuỗi cửa hàng Vinmart sẽ tăng tỷ suất lợi nhuận gộp ngang bằng với thị trường, tăng lưu lượng hàng hóa qua trung tâm phân phối để giảm chi phí nhưng không ảnh hưởng đến tăng trưởng trung hạn.

Masan cũng cho biết sẽ đóng cửa 150-300 cửa hàng không có khả năng hòa vốn hoặc không đạt chỉ tiêu lưu lượng. Đồng thời, hệ thống này sẽ tiếp tục tăng sự hiện diện tại Hà Nội để củng cố thị phần, phát triển mô hình mới cho các tình ngoài Hà Nội bằng việc địa phương hóa danh mục sản phẩm.

Về kế hoạch kinh doanh, Masan đặt mục tiêu năm 2020, hệ thống Vincommerce mang về doanh thu 45.000 - 48.000 tỷ đồng, mục tiêu EBITDA từ mức -3% đến hòa vốn.

Minh Sơn

Let's block ads! (Why?)