Xuất khẩu rau quả chế biến có thể đạt 12 tỷ USD

Với đà tăng trưởng tích cực, xuất khẩu rau quả chế biến được dự báo đạt 1,2 tỷ USD năm nay, tăng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, gần 6 tháng, xuất khẩu rau quả đạt 2,8 tỷ USD, tăng hơn 63% so với cùng kỳ và gần bằng kim ngạch xuất cả năm ngoái. Ngoài sự đóng góp lớn từ trái cây tươi, rau quả chế biến cũng đang tích cực khi góp 30% trong tỷ trọng xuất khẩu của ngành hàng này.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả chế biến đạt hơn 356 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 5 và 6 chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng tốc độ tăng trưởng mạnh hơn so với quý I. "Với đà tăng trưởng tốt như hiện nay, hết năm, xuất khẩu rau quả chế biến có thể đạt 1,2 tỷ USD, tăng 10-15% so với cùng kỳ năm ngoái", ông dự báo.

Nhà máy chế biến trái cây đóng hộp/lon ở Cần Thơ. Ảnh: Linh Đan

Nhiều năm qua, rau quả tươi Việt Nam xuất khẩu phần lớn sang Trung Quốc, chiếm 60% thị phần. Trong khi đó, nhóm rau quả chế biến lại tăng trưởng nhanh ở những thị trường Mỹ, EU và Nhật Bản.

"Đây là tín hiệu tốt giúp ngành rau quả Việt Nam tạo thêm lợi thế trên thị trường thế giới và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc", ông Nguyên nói.

Nửa năm nay, các sản phẩm trái cây đóng hộp, nước ép đóng chai có thời gian sử dụng 1-2 năm tiếp tục được mua nhiều ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ, 3 năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam sang đây tăng trưởng 30-45% mỗi năm. Tương tự, tại thị trường EU, rau quả chế biến Việt Nam xuất sang cũng tăng 10-20%.

Là doanh nghiệp xuất khẩu top đầu - Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu miền Tây – Westfood, cho hay 5 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả chế biến của công ty tăng trưởng tốt, trong đó thị trường châu Âu tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Nguyệt, năm nay, xuất khẩu rau quả chế biến sẽ tăng bứt phá khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Các thị trường quan trọng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, EU tăng mua.

"Chúng tôi đang dần tự chủ vùng nguyên liệu sản xuất đạt chuẩn Global GAP để đáp ứng tiêu chuẩn khó tính của người dân toàn cầu. Công ty đang có 140 ha dứa MD2 tại Hậu Giang, trong đó 30% đạt chứng chỉ Global Gap. Mục tiêu đến 2030, công ty cán đích quy mô 1.000 ha, 50% đạt chuẩn Global GAP", bà Nguyệt nói. Ngoài ra, năm nay công ty này sẽ đầu tư nhà máy chế biến ở Hậu Giang đạt chuẩn châu Âu với công suất 30.000 tấn một năm trên diện tích 70.000 m2

Mặc dù xuất khẩu khá thuận lợi nhưng bà Nguyệt cho rằng doanh nghiệp ngành chế biến vẫn đối diện với nhiều thách thức liên quan cơ cấu sản xuất, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Việc phát triển vùng nguyên liệu cho sản xuất rau quả chế biến còn manh mún và chưa được hỗ trợ nhiều trong quy hoạch. Ngoài ra, sức tiêu thụ nhóm sản phẩm này tại các thị trường EU, Mỹ vẫn chưa đạt kỳ vọng do bị tác động bởi xung đột Nga – Ukraine.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, sản lượng trái cây và rau thu hoạch hàng năm tại Việt Nam đạt trên 31 triệu tấn nhưng đưa vào chế biến mới chỉ 4,5 triệu tấn, chiếm 14% trong tổng sản lượng rau quả cả nước.

Ngoài ra, cơ sở chế biến bảo quản trái cây vẫn ở quy mô siêu nhỏ, hộ gia đình, những sản phẩm này khó đáp ứng chất lượng cho xuất khẩu. Điều này khiến cho cảnh "được mùa mất giá" diễn ra thường xuyên và kim ngạch xuất khẩu rau quả chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của Việt Nam.

Ông Nguyên cho rằng thế giới đang nghiêng về sử dụng trái cây, rau quả đã chế biến. Do đó, nếu biết tận dụng lợi thế và tạo hướng đi phù hợp, rau quả Việt Nam xuất khẩu sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai. "Chính phủ và bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch khu chế biến, hỗ trợ về nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ", ông đề nghị.

Ngoài ra, theo ông, nhà làm chính sách cần đưa ra các quy định để hỗ trợ sản xuất chế biến; kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết hiệu quả; tăng cường quản lý vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

Thi Hà

Adblock test (Why?)