Ông trùm trực thăng Malaysia

Từ một chiếc trực thăng mua với giá 1,5 triệu USD để dùng, Ibrahim bén duyên ngành cho thuê trực thăng và chiếm thị phần số 2 châu Á.

"Mười năm nữa, chúng tôi muốn trở thành nhà điều hành máy bay trực thăng lớn nhất thế giới", Syed Azman Syed Ibrahim, 63 tuổi, Chủ tịch Weststar Aviation Services tuyên bố.

Trực thuộc Weststar Group do chính ông Ibrahim sáng lập và đang làm CEO, Weststar Aviation Services là nhà điều hành dịch vụ trực thăng ngoài khơi lớn thứ hai châu Á - Thái Bình Dương, theo công ty nghiên cứu thị trường Imarc (Ấn Độ). Công ty đang có 34 trực thăng và đã đặt mua thêm 5 chiếc vào tháng 5.

Trực thăng của Weststar được sử dụng để chở các giám đốc điều hành, nhân sự cho ngành dầu khí, phục vụ các hoạt động khảo sát, sơ tán y tế tại những địa điểm khó hoặc không thể tiếp cận bằng các hình thức vận tải khác. Công ty có các cơ sở hoạt động ở Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi.

Họ đang có các khách hàng lớn như công ty dầu khí nhà nước Malaysia Petronas và các đại gia dầu mỏ phương Tây như Shell và ExxonMobil. Weststar Aviation Services còn có bộ phận riêng là Weststar General Aviation, sở hữu hai máy bay và một trực thăng chuyên phục vụ khách VIP.

Syed Azman Syed Ibrahim, Chủ tịch Weststar Aviation Services. Ảnh: Forbes

Syed Azman Syed Ibrahim, Chủ tịch Weststar Aviation Services. Ảnh: Forbes

Trước khi đặt tham vọng lớn trong ngành dịch vụ trực thăng, Ibrahim có xuất thân từ quân đội Malaysia và Weststar Group của ông cũng đang kinh doanh các lĩnh vực khác như đại lý ôtô, F&B.

Syed Azman Syed Ibrahim bước vào thế giới kinh doanh năm 1994 sau 13 năm phục vụ với tư cách là sĩ quan trong Lực lượng tình báo Hoàng gia của Lực lượng Vũ trang Malaysia. Ông khởi nghiệp bằng cách đầu tư 200.000 ringgit để nhập xe sang đã qua sử dụng từ châu Âu về bán ở Malaysia. Năm 2002, ông trở thành nhà phân phối của Honda. Năm 2011, ông nhập xe Maxus của Trung Quốc về phân phối.

Ibrahim đến với ngành hàng không năm 2002, khi ông mua một chiếc trực thăng với giá 1,5 triệu USD, chủ yếu để sử dụng cá nhân. Nhưng ông nhanh chóng có hứng thú tìm hiểu các chi phí và yêu cầu pháp lý để vận hành trực thăng cho mục đích thương mại.

Ông quyết định mở rộng quy mô hoạt động sau khi nhận thấy tiềm năng lớn đối với dịch vụ máy bay trực thăng trong lĩnh vực dầu khí. Malaysia vốn là nhà sản xuất dầu khí lớn thứ hai tính theo sản lượng ở Đông Nam Á, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. Đến năm 2011, ông có 11 chiếc trực thăng và nhận rót vốn của KKR hai năm sau đó.

Đến tháng 3/2023, Ibrahim mua lại 21% cổ phần Weststar Aviation Services từ tay KKR để sở hữu 100% công ty. Trong thỏa thuận này, công ty được định giá 4 tỷ ringgit (890 triệu USD). Ông Ibrahim đứng thứ 24 trong danh sách 50 người giàu nhất Malaysia với giá trị tài sản ròng ước tính 825 triệu USD.

Theo báo cáo từ hãng nghiên cứu Research & Markets (Đức), quy mô thị trường dịch vụ trực thăng ngoài khơi toàn cầu dự kiến tăng từ 2,5 tỷ USD năm 2022 lên 3,1 tỷ USD vào 2028.

Ibrahim đặt kế hoạch đầu tư 250 triệu USD để tăng gần 30% số lượng máy bay trực thăng mà công ty sở hữu và thuê trong hai năm tới. Đội máy bay của ông chủ yếu gồm những chiếc hạng trung do Airbus và Leonardo (Italy) sản xuất.

Cùng với đó, để giảm bớt sự phụ thuộc vào Malaysia, ông đang tích cực tìm kiếm thị trường mới. "Chúng tôi đang tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược có thể giúp chúng tôi phát triển ở nước ngoài", ông cho biết. Gần đây, ông đã có thảo luận với một vài nhà đầu tư ở Trung Đông.

Hồi tháng 3, công ty bắt tay hợp tác với Helicopter & Cooperation SAS - liên doanh của Avico Group (Pháp) và Westair Aviation (Namibia). Thỏa thuận cho phép công ty mở rộng sự hiện diện trong ngành dầu khí ở châu Âu và châu Phi . Ibrahim đặc biệt quan tâm đến Namibia, Equatorial Guinea và Mauritania ở châu Phi; cũng như Guyana bờ biển phía bắc Nam Mỹ và Suriname ở Indonesia.

Công ty đồng thời đẩy mạnh nhánh kinh doanh cho thuê chính phủ. Năm nay, hãng cho Không quân Hoàng gia Malaysia thuê 4 chiếc trực thăng. Bốn chiếc nữa sẽ được giao vào đầu năm 2024, trong khi ba chiếc khác sẽ được ký hợp đồng với chính phủ Malaysia. Theo các thỏa thuận, không quân và chính phủ vận hành máy bay nhưng chúng được sở hữu và bảo trì bởi Weststar Aviation Services.

Thị phần dịch vụ cho thuê trực thăng ngoài khơi châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn: Imarc

Thị phần dịch vụ cho thuê trực thăng ngoài khơi châu Á - Thái Bình Dương. Nguồn: Imarc

Matthieu Guisolphe, Giám đốc kinh doanh khu vực Đông Nam Á của công ty tư vấn hàng không Asian Sky Group (Hong Kong) đánh giá Weststar Aviation Services là một đơn vị lâu đời và có kinh nghiệm. "Họ là một nhà điều hành trực thăng uy tín, với một đội tàu bay hiện đại", ông nói.

Tuy nhiên, có một vài thách thức cho tham vọng của Ibrahim. Dennis Lau, Giám đốc dịch vụ tư vấn của Asian Sky Group cho biết nhiều công ty trong ngành cũng đang chạy đua mở rộng phạm vi hoạt động. "Thị trường dịch vụ máy bay trực thăng rất phân tán và cạnh tranh, đặc biệt là khi đấu thầu các hợp đồng dầu khí", ông nói. Việc tìm kiếm các đối tác phù hợp cũng không dễ.

Ngoài dịch vụ trực thăng, mảng kinh doanh ôtô của Ibrahim có doanh thu hợp nhất là 315 triệu ringgit vào năm ngoái. Ông là nhà phân phối độc quyền xe Maxus của Trung Quốc tại Malaysia thông qua Weststar Maxus. Ibrahim có kế hoạch mở thêm nhiều đại lý để tăng cường phân phối xe điện và xe hybrid của Maxus. Ông kỳ vọng dòng xe này sẽ chiếm 20% doanh số bán hàng Maxus trong năm nay. Ngoài ra, Weststar Auto cũng là đại lý của Honda.

Trong lĩnh vực F&B, con trai cả của Ibrahim là Syed Muhammad Arif, quản lý 9 cửa hàng cà phê Wolf & Turtle ở Malaysia và có kế hoạch tăng gấp ba số lượng cửa hàng vào năm 2025. Tổng cộng, có 3 trong số 7 người con và một con rể của Ibrahim tham gia vào lĩnh vực này. Ibrahim cũng có chuỗi Absolute Thai đặt trong các trung tâm mua sắm tại Thái Lan.

Bình luận về các thông tin cho rằng Weststar Aviation Services đang xem xét IPO, ông Ibrahim cho biết công ty không vội. "Chúng tôi sẽ chỉ làm điều đó khi đúng thời điểm".

Với mục tiêu trở thành nhà điều hành máy bay trực thăng lớn nhất thế giới, ông có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Một số công ty trong ngành hàng đầu đang có hơn 200 máy bay. Nhưng Ibrahim không bối rối vì cho rằng mấu chốt không phải ai có nhiều trực thăng nhất. "Đó còn là vấn đề ai có phi công giỏi nhất, kỹ sư giỏi nhất, hồ sơ an toàn tốt nhất và lợi nhuận hợp lý", ông nói.

Phiên An (theo Forbes)

Adblock test (Why?)