Không còn là lựa chọn yêu thích của nhà đầu tư, giá kim cương thô đã giảm gần 20% chỉ trong hơn một năm.
Giá kim cương giảm 6,5% từ đầu năm nay và sụt hơn 18% so với mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 2 năm trước, theo Chỉ số giá kim cương thô toàn cầu. Theo giới phân tích, giá trị của những viên kim cương có thể còn tiếp tục lao dốc.
"Năm trước, một viên kim cương tự nhiên 1 carat có chất lượng tốt hơn mức trung bình một chút có giá 6.700 USD, nay chính viên kim cương này được bán với giá 5.300 USD", Paul Zimnisky, Giám đốc điều hành của Paul Zimnisky Diamond Analytics, nói với CNBC.
Kim cương, cùng với các đồ trang sức khác, ghi nhận mức tăng mạnh trong giai đoạn đại dịch, với đỉnh điểm vào đầu năm ngoái. "Lúc đó, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu. Họ trở nên rủng rỉnh tiền mặt từ lợi nhuận của các kênh đầu tư và các chương trình kích thích kinh tế, sẵn sàng chi những món quà ý nghĩa cho người thân", Công ty tư vấn Bain & Company cho biết trong một báo cáo vào tháng 2 năm ngoái.
Giám đốc điều hành của Công ty kim hoàn trực tuyến Angara, Ankur Daga, cho biết khi mọi người không thể đi du lịch hoặc tiêu tiền ở bên ngoài, số tiền dư thừa đó đã được đổ vào đồ trang sức và hàng xa xỉ.
Nhưng khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, giá kim cương cũng giảm và rơi vào tình trạng bị bán tháo, theo Daga.
Theo các chuyên gia trong ngành, sự cạnh tranh liên tục từ kim cương nhân tạo, sự phục hồi kinh tế chậm hơn của Trung Quốc và bối cảnh kinh tế vĩ mô không chắc chắn cũng là những nguyên nhân khiến thị trường này trở nên suy yếu.
Edahn Golan, Giám đốc điều hành của Edahn Golan Diamond Research & Data, cho biết ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sang sử dụng kim cương nhân tạo, với giá giảm 59% ba năm qua.
"Tỷ lệ doanh số kim cương nhân tạo so với kim cương tự nhiên đang tăng lên. Năm 2020, sản phẩm này chỉ chiếm 2,4% doanh số toàn thị trường. Đến năm 2023, tỷ lệ này lên tới 9,3%", Golan nói.
Kim cương nhân tạo được tạo ra trong phòng thí nghiệm với môi trường được kiểm soát bằng cách sử dụng áp suất và nhiệt độ cực cao để tái tạo như cách kim cương tự nhiên được hình thành. Daga cho biết sản phẩm nhân tạo và tự nhiên giống hệt về mặt hóa học, vật lý và quang học. Nhưng quan trọng hơn đối với hầu hết người tiêu dùng là chúng rẻ hơn rất nhiều.
Và ngày càng có nhiều người tìm kim cương nhân tạo để lựa chọn nhẫn đính hôn.
"Kim cương nhân tạo không thể phân biệt so với kim cương tự nhiên, và nếu tôi có thể mua được một viên kim cương lớn hơn với cùng mức giá, tại sao không?", Jonathan Lok, 29 tuổi, người Singapore, đã cầu hôn bằng chiếc nhẫn kim cương 0,76 carat được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
Edahn cũng cho biết giá của những viên kim cương nhân tạo giảm mạnh những năm gần đây. "Ba năm trước, bạn có thể mua kim cương nhân tạo với giá thấp hơn 20-30% so với giá kim cương tự nhiên. Bây giờ nó giảm từ 75% đến 90%", Daga nói và cho rằng công nghệ sản xuất, máy móc hiện đại là nguyên nhân khiến giá thành sản xuất ngày càng giảm.
CEO của Angara dự báo giá kim cương tự nhiên có thể giảm từ 20% đến 25% so với giá hiện tại trong 12 tháng tới, đánh dấu mức giảm 40% so với mức đỉnh hồi tháng Hai.
"Có khả năng giá sẽ tiếp tục giảm, đặc biệt khi tỷ suất lợi nhuận của nhà bán lẻ đối kim cương nhân tạo rất cao, khoảng 60% so với 34% của kim cương tự nhiên", CEO của Edahn Golan Diamond Research & Data dự báo.
Theo ông, chi phí lao động vẫn đang tăng lên và nó là một phần rất quan trọng trong quá trình sản xuất kim cương. "Vì vậy, vẫn có một mức giá sàn tự nhiên ở đâu đó", Daga nói, đồng thời cho biết thêm rằng thị trường có thể trở lại sau khi giảm 25%.
Theo Bain & Company, sản xuất kim cương còn liên quan đến việc cắt và đánh bóng viên kim cương thô trước khi chế tác thành đồ trang sức, đây là phần "phức tạp nhất" và tốn kém nhất của chuỗi giá trị.
Ngoài ra, những người theo dõi thị trường kim cương không mong đợi các biện pháp trừng phạt đối với Nga - nhà sản xuất hàng đầu thế giới, với lo ngại điều này có thể dẫn đến giá tăng đột biến.
Đầu tháng 5, các nền kinh tế G7 đã triệu tập một cuộc thảo luận về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với kim cương của Nga, trong đó Anh đi đầu trong việc trừng phạt Công ty nhà nước Alrosa.
"Người Nga đã tăng doanh số bán kim cương những tháng gần đây trong nỗ lực lấy lại thị phần đã mất năm ngoái", Zimnisky, Giám đốc điều hành của Paul Zimnisky Diamond Analytics, cho biết.
Nga là nhà sản xuất kim cương lớn nhất thế giới, tiếp theo là Botswana và Congo, theo Diamond Registry.
Edahn cho rằng Nga sẽ không gặp vấn đề gì khi bán kim cương bất chấp các lệnh trừng phạt, đặc biệt nếu những người mua tiếp tục đánh giá cao những viên đá quý của Moscow. "Các quốc gia như Ấn Độ, UAE và thậm chí cả Liên minh châu Âu không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập khẩu kim cương thô. Vì vậy, một lần nữa sẽ không có sự thiếu hụt thực sự", ông nói.
Minh Sơn (theo CNBC)