Phong cách du lịch của thế hệ Z

Bất chấp suy thoái kinh tế, thế hệ Z vẫn chi tiền cho các chuyến đi và ngày càng du lịch nhiều hơn.

Theo dữ liệu từ Morning Consult, một trong những công ty công nghệ phát triển nhanh nhất Bắc Mỹ, hơn 50% thế hệ Z hay Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) tại Mỹ là những người thường xuyên đi du lịch, dù thu nhập cao hay không. Trong năm 2022, mỗi người đi trung bình ít nhất 3 chuyến.

Lindsey Roeschke, nhà phân tích tại Morning Consult, cho biết: "Gen Z đang được nuôi dưỡng trong một xã hội mà việc đi du lịch được ưu tiên nhiều hơn so với thế hệ trước", cô nói.

Một gia đình thế hệ Gen Z đi du lịch tại Fanxipan. Ảnh: Lan Hương

Một gia đình thế hệ Gen Z đi du lịch tại Fansipan. Ảnh: Lan Hương

Ngân sách hạn hẹp nhưng thích đi du lịch

Roeschke cho biết các ngành liên quan đến dịch vụ nên chú trọng đến thế hệ Z này. Vì họ "đi nhiều hơn thế hệ X (sinh từ năm 1965 đến 1980) và ngang bằng Y (sinh từ đầu những năm 1980 đến 1996) - những người đang được ngành du lịch quan tâm.

Không giống các thế hệ trước, Gen Z không đợi có công việc ổn định, lương cao hoặc có khoản tiết kiệm lớn mới đi du lịch. Thay vào đó, họ đang tìm cách đi chơi trong phạm vi phù hợp túi tiền của mình, theo báo cáo từ Morning Consult về "Xu hướng du lịch của Gen Z".

Nhưng điều đó không có nghĩa là Gen Z không lo lắng về chi phí. Trong một cuộc khảo sát hơn 4.000 người từ 18 đến 25 tuổi, khoảng 76% cho rằng chi phí là mối quan tâm lớn nhất với họ khi du lịch. Hơn 66% thế hệ Z tìm kiếm những lựa chọn rẻ nhất, 46% mong được bố mẹ hỗ trợ tài chính. Họ cũng sẵn sàng cắt giảm các khoản chi tiêu khác để có tiền đi du lịch, 83% người được hỏi lựa chọn phương án này.

Một khảo sát (so sánh hai năm 2021 và 2022) của Công ty Truyền thông Student Beans có trụ sở tại London (Anh) chỉ ra mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua sắm của thế hệ này giảm đối với thời trang (7%), công nghệ (6%), thực phẩm (12%) trong khi chi tiêu mua hàng mỗi chuyến du lịch tăng 60%. "Dù có khủng hoảng chi phí sinh hoạt hay không, không có gì cản trở Gen Z đi du lịch", báo cáo nêu.

Tại sao Gen Z đi du lịch?

Theo khảo sát của Morning Consult, ba lý do hàng đầu là thư giãn, trốn thoát hoặc đi xa và dành thời gian cho gia đình, bạn bè. Những lý do này cũng giống như mong muốn đi du lịch của các thế hệ trước. Tuy nhiên dữ liệu cho thấy họ có động cơ đi du lịch để khám phá, cải thiện sức khỏe tinh thần và trải nghiệm văn hóa nhiều hơn.

Họ cũng có kế hoạch đi du lịch lâu hơn, thực hiện nhiều chuyến đi quốc tế hơn và ít quan tâm đến việc quay lại một nơi nhiều lần.

Điều Gen Z quan tâm

Họ muốn trải nghiệm trong các chuyến đi có ý nghĩa hơn. Khoảng 68% người được hỏi từ 18 đến 25 cho biết họ quan tâm đến việc tìm hiểu một nền văn hóa mới. Trong khi đó, chỉ 21% tìm kiếm cuộc sống về đêm tại các quán bar, pub hay tiệc tùng.

Will Jones, Giám đốc Thương hiệu của StudentUniverse, công ty cung cấp dịch vụ du lịch có trụ sở tại Mỹ, nói: "Cách đây không lâu, mối quan tâm của những người 18-30 tuổi là tiệc tùng, sự náo nhiệt. Giờ đây điều này không còn đúng nữa".

Họ cũng quan tâm đến các vấn đề xã hội nhiều hơn. 82% nói rằng cách tiếp cận của một quốc gia đối với những yếu tố như quyền của giới LGBT sẽ ảnh hưởng đến quyết định ghé thăm của họ.

Thế hệ Z và Y cũng muốn chi nhiều tiền hơn cho những địa điểm lưu trú có hồ bơi, chỗ ở thân thiện với vật nuôi. Báo cáo từ công ty du lịch chuyên cung cấp dịch vụ sang trọng Virtuoso, 56% thế hệ Z chấp nhận bỏ số tiền lớn hơn cho các công ty du lịch có tư duy và hành động thân thiện với môi trường.

Cách Gen Z lên kế hoạch

62% Gen Z trưởng thành cho biết dùng công nghệ để giúp tiết kiệm chi phí đi lại, theo "Dự đoán Du lịch 2023" của ứng dụng đặt phòng có trụ sở tại Hà Lan, Booking.

Họ không chỉ đi chơi một mình. Nhiều người lên kế hoạch để đưa cả gia đình đi cùng. "Du khách đang bị ảnh hưởng bởi con cái. Tôi chứng kiến nhiều chuyến đi gồm hai mẹ con hoặc hai bố con và biết được bọn trẻ quyết định nơi chúng ở cũng như những việc chúng sẽ làm trong chuyến đi", Deborah Frank đến từ tạp chí Luxury nói.

Anh Minh (Theo CNBC)

Adblock test (Why?)