Ngân hàng Nhà nước đã mua gần 5 tỷ USD từ đầu năm

Lũy kế bốn tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua 4,9 tỷ USD từ các nhà băng, bổ sung vào dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Thông tin trên được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu tại họp báo Chính phủ thường kỳ về kinh tế xã hội tháng 4 và bốn tháng đầu năm, ngày 5/5.

Ông cho biết tỷ giá thời gian qua được điều hành linh hoạt, thanh khoản thị trường thông suốt. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ các ngân hàng, bổ sung vào dự trữ ngoại hối. Lũy kế bốn tháng đầu năm, cơ quan này đã mua gần 4,9 tỷ USD từ các tổ chức tín dụng. Số này tăng gần một tỷ USD so với dữ liệu đến hết quý I.

Trước đó, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán BIDV, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mua vào ngoại tệ từ tháng 1 năm nay. Tính riêng tháng đầu năm, khoảng 2,78 tỷ USD được nhà điều hành mua vào, nâng dự trữ ngoại hối lên gần 91,8 tỷ USD.

Dự báo của các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam có thể phục hồi, đạt mức 102 tỷ USD vào cuối năm nay.

Giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng thương mại cổ phần, tháng 11/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Giao dịch ngoại tệ tại một ngân hàng thương mại cổ phần, tháng 11/2022. Ảnh: Thanh Tùng

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng cho biết kinh tế vĩ mô bốn tháng đầu năm cơ bản ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,84% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức này giảm so với quý I (4,18%) và hai tháng đầu năm (4,6%). Lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 4,56% so cùng kỳ 2022. Bình quân bốn tháng qua, chỉ số này tăng 4,9%, cao hơn CPI bình quân chung (3,84%).

Cũng theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, nhờ những động thái tích cực gỡ khó từ các cấp ngành, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chuyển biến bước đầu. Đây là tín hiệu tích cực tạo đà cho phục hồi thời gian tới.

Lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp 4 tháng đầu năm giảm hơn 67% so với cùng kỳ, đạt 25.700 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã mua lại 24.300 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Một số doanh nghiệp đã đàm phán với nhà đầu tư để kéo dài kỳ hạn hoặc chuyển khoản nợ sang tài sản khác. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đến 21/4 khoảng 1,13 triệu tỷ đồng, gần 12% GDP năm 2022.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sản xuất kinh doanh vẫn đối mặt nhiều khó khăn do ảnh hưởng tác động từ bên ngoài. Những yếu tố này gây sức ép lên điều hành kinh tế vĩ mô.

Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy xuất nhập khẩu 4 tháng giảm hơn 15% so cùng kỳ năm trước, đạt trên 102 tỷ USD. Bốn tháng qua, Việt Nam ghi nhận xuất siêu 6,35 tỷ USD (phần lớn do khu vực vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu hơn 14 tỷ USD, còn kinh tế trong nước nhập siêu hơn 8 tỷ USD).

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4 ước tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ 2022. Nhưng tính chung bốn tháng, chỉ số này vẫn giảm 1,8% (năm 2022 tăng 7,8%).

"Kinh tế vẫn đối diện không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường từ phục hồi chậm của các đối tác thương mại lớn; áp lực lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao hay xu hướng tiếp tục thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia để kiềm chế lạm phát", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, ngày 5/5. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4, ngày 5/5. Ảnh: VGP

Tuy vậy, ông Dũng cho rằng Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch, cũng như tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm nay, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị các bộ ngành theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình, nhất là sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu tác động tới Việt Nam để có biện pháp ứng phó kịp thời.

Với Bộ Tài chính cần quản lý chặt các nguồn thu, tiết kiệm chi; đề xuất chính sách giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ này cũng cần sớm tham mưu sửa đổi cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư trong bối cảnh thuế tối thiếu toàn cầu.

Ngân hàng Nhà nước cũng được đề nghị có giải pháp giảm tiếp lãi suất huy động và cho vay, giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp. Hiện nhiều ngân hàng hạ 0,1-0,5% một năm với lãi tiền gửi. Bình quân lãi suất cho vay là 9,56% một năm, giảm 0,41% so với cuối 2022.

Bộ Xây dựng cùng các cơ quan, địa phương tiếp tục tháo gỡ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; đẩy nhanh tháo gỡ khó khănvới các dự án bất động sản để hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp.

Ông Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành địa phương cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư. "Tuyệt đối không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết cho doanh nghiệp, người dân", Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư lưu ý.

Anh Minh

Adblock test (Why?)