Lặn cùng cá nhà táng ở Đông Phi

Trong chuyến trải nghiệm lặn ở vùng biển Đông Phi, một nhiếp ảnh gia Việt choáng ngợp khi bắt gặp cá nhà táng ngủ đứng lơ lửng giữa đại dương.

Vào tháng 5, Nguyễn Ngọc Thiện, nhiếp ảnh gia ở TP HCM, đến vùng biển Đông Phi nằm giữa tam giác Madagascar, quần đảo Reunion (Pháp) và quốc đảo Mauritius để tìm kiếm cá nhà táng (sperm whale), một loài thuộc bộ cá voi, là động vật săn mồi có răng lớn nhất trên thế giới.

Nhiều năm qua, anh Thiện đã tìm hiểu về đặc điểm sinh học và tập tính của nhiều loài cá voi, đồng thời thăm dò nhiều địa điểm trên thế giới có các đàn cá voi sinh sống hoặc di cư theo mùa mà con người có thể tiếp cận. Vùng biển Đông Phi có các rãnh sâu 1.000-2.000 m dưới đáy biển, nơi đàn cá mực khổng lồ và cá nhà táng sinh sống. Nơi đây được quản lý nghiêm ngặt bởi các tổ chức bảo tồn cá voi và chính quyền các nước trong khu vực. Chỉ một số ít đơn vị tàu được cấp giấy phép hoạt động lặn biển và ghi hình.

Chuyến đi đến vùng biển Đông Phi lẽ ra được thực hiện từ năm 2020, nhưng phải hoãn đến tháng 5 vừa qua do đại dịch Covid-19. Anh Thiện cho biết mất 2-3 tuần tìm kiếm, lặn và ghi hình cùng cá voi. Dù có nhiều kinh nghiệm lặn biển trước đó, anh Thiện vẫn phải tìm hiểu kỹ về thời tiết, nhiệt độ nước, dòng chảy, cảnh quan và hệ sinh thái dưới nước, đặc điểm sinh học và tập tính của cá nhà táng, để chuyến lặn biển diễn ra suôn sẻ.

Hoạt động lặn và ghi hình cá nhà táng hay đa số những loài cá voi khác đều cần dùng kỹ thuật lặn tự do free diving (lặn không bình khí). Đây gần như là cách thức duy nhất được áp dụng để tiếp cận loài này. Khi sử dụng phương pháp lặn bình khí sẽ gây ra bóng khí, có thể khiến cá voi cảm thấy bị làm phiền hoặc hoảng sợ, nhất là cá voi con. Các khu vực bảo tồn lẫn các tổ chức bảo tồn cá voi đều không cho phép lặn bình khí để tiếp cận cá voi.

"Cá voi có xu hướng di chuyển liên tục giữa biển khơi, nên chỉ có lặn tự do với trang thiết bị lặn gọn nhẹ mới có thể linh hoạt tiếp cận được loài này. Người lặn tốt nhất nên học qua các khóa học lặn free diving để nắm vững kỹ năng lặn cần thiết cho hành trình. Đây là điều kiện cần để đảm bảo an toàn cho bản thân người lặn. Ngoài ra cũng cần tìm hiểu về tập tính và đặc điểm sinh học của loài này trước khi lặn và tiếp cận", anh Thiện nói.

Trước khi lặn, đoàn anh Thiện phải dò đúng vị trí của cá voi. Để hỗ trợ tăng xác suất tìm kiếm, một số tàu đầu tư trang bị các máy dò thủy âm, phát hiện và ghi lại âm thanh trong đại dương. Các nhà nghiên cứu có thể lập trình để phát hiện các tần số âm thanh cụ thể và triển khai các hệ thống phân loại, từ đó lọc ra một số âm thanh riêng biệt của từng loài cá voi.

Sau khi xác định vị trí, anh Thiện và các thành viên trong đoàn lặn xuống độ sâu 10-15 m để có được góc nhìn đủ rộng và toàn cảnh kích thước đồ sộ của cá nhà táng. Kích thước trung bình của cá nhà táng trưởng thành thường dao động khoảng 12-15 m, một số cá thể đực có thể đạt tới kích thước 20 m.

"Cảm giác khi vùng vẫy dưới đại dương mênh mông, trước mặt là những con cá to lớn gấp nhiều lần cơ thể con người, là sự choáng ngợp khó tả. Hiểu rõ thế nào là con người nhỏ bé trước sự kỳ vĩ của tự nhiên", anh Thiện bày tỏ.

Cá nhà táng là loài động vật săn mồi có răng lớn nhất trên thế giới. Một cá thể cá nhà táng đực trưởng thành có thể dài 16-20 m và nặng 35-50 tấn. Trong khi cá thể cái dài khoảng 10-15 m và nặng khoảng 20-30 tấn. Loài cá này thường lặn sâu 1-2 km để kiếm ăn, mỗi lần lặn như thế kéo dài 1-2 h.

Trong lần lặn biển này, nam nhiếp ảnh gia may mắn được chứng kiến và chụp lại khoảnh khắc cá nhà táng ngủ trong tư thế thẳng đứng. Cảnh tượng này được xem là "một trong những kỳ quan của thế giới tự nhiên", rất hiếm gặp vì khi chúng ngủ sẽ khó xác định vị trí. Ngay cả thiết bị dò sóng âm bình thường cũng rất khó phát hiện vì cá nhà táng gần như bất động hoàn toàn bên dưới mặt nước và không phát ra âm thanh khi đang ngủ sâu.

Cá nhà táng trong tư thế ngủ đứng.

Cá nhà táng trong tư thế ngủ đứng.

"Đến ngày thứ 7 của hành trình, tôi và cả đoàn đều không ngờ lại đủ may mắn để được chứng kiến tận mắt cảnh tượng ngoạn mục này. Không bỏ lỡ khoảnh khắc, tôi đã ghi lại được bức ảnh để đời cảnh cá nhà táng ngủ đứng", anh Thiện bày tỏ.

Anh cho biết để chụp được những bức hình dưới đại dương cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có ba điều khó lường trước và có thể thay đổi bất cứ lúc nào, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến chất lượng một buổi lặn và ghi hình dưới nước là thời tiết, tầm nhìn dưới nước và thiên nhiên hoang dã.

Nam nhiếp ảnh gia cho biết những ngày đầu chân ướt chân ráo chuyển sang nhiếp ảnh dưới nước, anh tình cờ được chiêm ngưỡng tấm ảnh của Paul Nicklen, nhà bảo tồn đại dương, nhiếp ảnh gia động vật hoang dã nổi tiếng của National Geographic. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc đàn cá nhà táng đang chìm vào giấc ngủ sâu giữa lòng đại dương theo phương thẳng đứng, tựa như những cột trụ khổng lồ cứ lơ lửng trôi giữa vùng không gian không trọng lực bao la. Bức ảnh khiến anh Thiện "há hốc mồm kinh ngạc" vì cảnh tượng choáng ngợp và siêu thực, đồng thời truyền cảm hứng nhiếp ảnh dưới nước cho anh.

Ngoài vùng biển Đông Phi, còn có địa điểm khá nổi tiếng khác để lặn và ghi hình cá nhà táng, như đảo quốc Dominica ở vùng biển Caribe. Anh Thiện chia sẻ du khách chưa có kinh nghiệm và kỹ năng lặn biển phù hợp để tiếp cận cá nhà táng, nên lựa chọn trải nghiệm ngắm cá voi từ trên tàu để đảm bảo an toàn. Anh gợi ý một số địa điểm như rạn san hô Great Barrier Reef hay Gold Coast ở miền Nam Australia, Kaikoura ở New Zealand, Husavik và Azores ở Iceland, hay gần nhất là vùng biển Đề Gi, Bình Định cũng thường xuyên có cá voi xuất hiện.

Sau chuyến "săn" cá nhà táng thành công ở Đông Phi, anh Thiện dự định lặn và ghi hình loài cá voi lưng gù (humpback whale) ở quần đảo French Polynesia hoặc Tonga ở Nam Thái Bình Dương.

Bích Phương

Ảnh NVCC

Adblock test (Why?)