Hà TĩnhHơn chục chiếc xe điện trị giá hơn 3 tỷ đồng được doanh nghiệp tài trợ cho Ban quản lý ngã ba Đồng Lộc bị bỏ không suốt 5 năm do chưa được cấp phép.
Đầu tháng 4, chỉ một trong số 13 xe điện khu di tích ngã ba Đồng Lộc được sử dụng để chở vòng hoa và một số vật dụng trong khuôn viên. Số xe còn lại không vận hành, lốp xuống hơi, bình ắc quy hư hỏng, bụi phủ dày.
Đây là xe được ba doanh nghiệp tài trợ cho Ban quản lý Khu di tích, mỗi xe 9-14 chỗ để chở khách chạy trên quãng đường đi - về hơn 2 km trong khuôn viên, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc năm 2018. Sau khi chạy thử vài tháng, Ban quản lý làm tờ trình gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh xin cấp phép hoạt động, thu giá dịch vụ 10.000 đồng một lượt. Tuy nhiên, từ đó đến nay việc cấp phép vẫn chưa có kết quả, xe để không.
Ông Trần Đình Ước, Trưởng ban quản lý Khu di tích ngã ba Đồng Lộc, cho biết năm 2019-2021, do Covid-19 nên đơn vị chưa làm tờ trình gửi tỉnh Hà Tĩnh đề nghị cấp phép. Đến tháng 4/2022, khi dịch bệnh ổn định, hồ sơ đã gửi, nhưng sau một năm vẫn chưa có kết quả.
Ông cho rằng khi xe điện được vận hành, quãng đường di chuyển sẽ ngắn hơn, hạn chế ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, đảm bảo an toàn cho du khách. "Việc thu phí dịch vụ là để bù đắp chi phí bảo dưỡng, sửa chữa xe, tiền công và các phụ phí khác", ông Ước nói. Sắp tới nếu được vận hành trở lại thì phải thay toàn bộ ắc quy cho hàng chục xe.
Ông Nguyễn Quốc Hương, Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh, cho biết việc chưa cấp phép cho xe điện hoạt động do phía Ban quản lý Đồng Lộc xây dựng phương án về giá vé thu dịch vụ chưa cụ thể. Sở đang đôn đốc các phòng chuyên môn hoàn thiện khâu này để trình UBND tỉnh xem xét.
Ngã ba Đồng Lộc nằm trên đường Hồ Chí Minh, thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2. Trong chiến tranh, nơi đây là mạch máu giao thông để hậu phương chi viện cho miền Nam.
Từ tháng 4 đến tháng 10/1968, vùng đất này phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất gánh trên 3 quả bom. Mặt đất bị biến dạng, đất đá cày đi xới lại. Trưa 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55, ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16h, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị tránh bom. Hầm sập, tất cả hy sinh.
Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1989. Ngoài phần mộ 10 nữ thanh niên xung phong, tỉnh đã đầu tư xây mới nhiều công trình khang trang như sa bàn chiến đấu, tháp chuông Đồng Lộc, cụm tượng đài, nhà bảo tàng để phục vụ khách du lịch. Mỗi năm nơi đây đón hơn 300.000 lượt khách trong và ngoài nước.