Mỗi ounce vàng vượt mốc 2.000 USD, do đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu Mỹ đi xuống sau số liệu kinh tế nước này kém lạc quan.
Chốt phiên giao dịch 4/4, giá vàng thế giới giao ngay tăng 35,4 USD một ounce, lên 2019 USD. Trong phiên, giá có thời điểm chạm 2.024 USD – cao nhất kể từ tháng 3 năm ngoái.
"Triển vọng cho vàng đang rất lạc quan. Số liệu kinh tế Mỹ đang chậm lại và áp lực lạm phát vẫn tăng tốc", David Meger – Giám đốc Giao dịch Kim loại quý tại High Ridge Futures cho biết.
Đà giảm giá của USD tăng tốc sau báo cáo cho thấy số việc làm cần tuyển người tại Mỹ trong tháng 2 đã xuống thấp nhất 2 năm. Số đơn hàng tại nhà máy cũng lao dốc.
Một nguyên nhân khác kéo giá vàng lên là giá dầu thô tuần này tăng tốc sau quyết định giảm sản xuất đột ngột của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Động thái này có thể khiến lạm phát khó đi xuống. Trong khi đó, vàng được coi là công cụ truyền thống để phòng trừ lạm phát.
"Từ góc độ kỹ thuật, giá vàng có khả năng vẫn duy trì được đà tăng, để ổn định ở mốc hiện tại hoặc thậm chí cao hơn. Mốc 2.050 USD sẽ là ngưỡng cản quan trọng. Nếu phá vỡ mốc này, giá có thể nhanh chóng lập đỉnh mới", Alexander Zumpfe – chuyên viên giao dịch kim loại quý tại Heraeus nói.
Thị trường hiện dự báo khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) trong cuộc họp tháng 5 là 43%. Trong khi đó, xác suất ngừng tăng lãi là 57%.
Tuy vậy, Han Tan – Giám đốc phân tích thị trường tại Exinity cho rằng Fed càng tăng lãi nhiều, đà tăng của vàng càng khó giữ.
Hà Thu (theo Reuters, Kitco)