Sức chịu đựng của kinh tế Nga trước các đòn trừng phạt

Economist nói Nga có 3 thành tích kinh tế giúp nước này có khả năng duy trì cuộc chiến lâu dài nhưng để giành chiến thắng dứt điểm thì không.

Một tuần sau khi xung đột Ukraine nổ ra năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ điểm qua những tác động ban đầu lên kinh tế Nga : "Giá trị ruble đã giảm mạnh, thị trường chứng khoán đóng cửa do lo ngại dòng vốn tháo chạy, lãi suất tăng hơn gấp đôi, xếp hạng tín nhiệm của Nga rớt xuống mức rủi ro cao". Mỹ khi ấy hy vọng "những hậu quả to lớn, chưa từng có" sẽ cản trở nguồn thu của Điện Kremlin.

Tuy nhiên, trong năm tiếp theo, bất chấp phương Tây liên tục thắt chặt trừng phạt, kinh tế Nga đã phục hồi trạng thái cân bằng. IMF dự báo nước này tăng trưởng 0,7% trong 2023 - bằng với Pháp, trong khi GDP Anh, Đức giảm. Niềm hy vọng kinh tế Nga suy sụp của phương Tây phai nhạt.

Nga đã đạt được 3 kỳ tích trong 14 tháng qua. Họ đã tìm ra nhiều cách chống lại hàng loạt lệnh trừng phạt. Họ cung cấp đủ nhân lực và trang thiết bị để phục vụ cuộc chiến. Tất cả được thực hiện mà không làm giảm mạnh mức sống người dân.

Hơn một năm qua, Nga phải đối phó với hàng loạt lệnh trừng phạt lớn nhất từng được áp dụng với một nước lớn, áp lên các cá nhân, các giao dịch tài chính, hàng hóa xuất - nhập khẩu. Tuy nhiên, cuộc tấn công kinh tế này mang lại kết quả không cao vì những lỗ hổng lớn trong chế độ trừng phạt và Nga tìm ra cách vượt qua.

Một tiết mục nhảy lfashmob có tên Map of Russia in Moskva. Ảnh: Moskva News Agency

Một tiết mục nhảy flashmob có tên "Map of Russia" in Moskva. Ảnh: Moskva News Agency

Công ty dữ liệu World-Check ước tính 2.215 cá nhân có quan hệ mật thiết với chính phủ Nga không còn có thể đi đến một số hoặc tất cả nước phương Tây, hoặc tiếp cận tài sản của họ ở đó, hoặc cả hai. Một số người Nga giàu có phàn nàn về vị thế xã hội suy giảm. Một số đã rời Nga và từ bỏ quyền công dân.

Tuy nhiên, hầu hết nhà tài phiệt vẫn có cách tận hưởng cuộc sống và làm ăn. Phương Tây chỉ đóng băng khoảng 100 tỷ USD trong 400 tỷ USD tài sản ở nước ngoài của các gia đình Nga. Nhà giàu Nga không đến được Riviera (Pháp) nghỉ mát thì bay sang Dubai (UAE) và Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ).

Thậm chí, các biện pháp trừng phạt mở đường cho thế hệ tài phiệt mới. Khi các công ty phương Tây rời đi, hàng trăm tỷ USD tài sản của họ được doanh nhân Nga tiếp quản. Nếu mục đích đằng sau của biện pháp này là làm ông Putin lo ngại về làn sóng rút đầu tư thì đến nay ít có dấu hiệu cho thấy điều đó.

Các biện pháp trừng phạt tài chính tác động hạn chế. 10 ngân hàng Nga bị cắt khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Gần hai phần ba hệ thống ngân hàng Nga không thể xử lý các giao dịch bằng euro hoặc USD.

Nhưng phương Tây không ngắt hoàn toàn kết nối thanh toán với hàng Nga vì cần phải trả tiền cho dầu và khí đốt mua từ nước này. Gazprombank, nơi xử lý các khoản thanh toán này, vẫn là thành viên của SWIFT. Hơn nữa, các hệ thống tài chính mới đang được xây dựng để thay thế phương Tây.

Giao dịch qua CIPS - giải pháp thay thế của Trung Quốc, tăng 50% kể từ khi cuộc chiến bắt đầu. Tháng 12/2022, 16% kim ngạch xuất khẩu của Nga được thanh toán bằng nhân dân tệ, tăng từ mức gần như không có trước chiến sự. Chênh lệch biên độ bán - mua đồng nhân dân tệ ở các ngân hàng Nga khá thấp, chứng tỏ thanh khoản tốt. Một số giao dịch quốc tế được giải quyết bằng đồng rupee của Ấn Độ và dirham của UAE.

Với hạn chế xuất khẩu, Mỹ và các đồng minh cấm bán cho Nga hàng nghìn mặt hàng công nghệ cao, trong khi nhiều hãng phương Tây từng hoạt động tại Nga đã tự nguyện rút lui. Trong số khoảng 3.000 công ty toàn cầu có sự hiện diện của Nga được theo dõi bởi Viện KSSE tại Trường Kinh tế Kyiv, gần một nửa đã cắt giảm hoạt động. Năm ngoái, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nga giảm 25%.

Tuy nhiên, Nga vẫn tiếp tục nhập khẩu nhiều như trước xung đột. Các đối tác thương mại mới xuất hiện. Trung Quốc bán hàng sang Nga gấp đôi so với 2019. Nhập khẩu từ phương Tây sang Nga thông qua một nước thứ ba tăng vọt. Năm 2022, nhập khẩu từ EU vào Armenia tăng gấp đôi một cách bí ẩn, còn xuất khẩu của Armenia sang Nga tăng gấp ba lần. Xuất khẩu điện thoại từ Serbia sang Nga tăng từ 8.518 USD năm 2021 lên 37 triệu USD năm 2022. Máy giặt từ Kazakhstan đến Nga tăng từ 0 vào năm 2021 lên gần 100.000 chiếc năm ngoái.

Dĩ nhiên, vẫn có nhược điểm. Các trung tâm kinh tế của Nga gần Brussels hơn là Bắc Kinh. Vì vậy, chi phí vận chuyển tăng cao. Mọi người cũng có ít sự lựa chọn hơn. Theo cuộc khảo sát gần đây của Romir - công ty nghiên cứu thị trường Nga, hai phần ba người Nga cho rằng chất lượng sản phẩm đang giảm.

Không phải tất cả hàng hóa đều được cung cấp đủ số lượng. Nhiều loại thuốc do Nga sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đang thiếu hụt. Ngành ôtô thiếu chất bán dẫn. Sản xuất đã giảm 70% trong 2 tháng đầu 2023 so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, khi không thể sản xuất nhiều ôtô nữa, Nga có thể nhập chúng. Sau Lada - thương hiệu nổi tiếng của Liên Xô, thương hiệu phổ biến nhất ở Nga hiện là Haval - thương hiệu tầm trung của Trung Quốc. Doanh thu hàng tháng của hãng này đã tăng 331% trong năm qua.

Bằng cách nào đó, Nga vẫn có được các bộ phận cần thiết để bảo trì các máy bay dân dụng. Được cho là nhờ tin tặc đánh cắp về, phần mềm máy bay vẫn được cập nhật dù Nga không thể mua nữa. Không có gia tăng về số tai nạn hàng không.

Tác động của các biện pháp trừng phạt lên xuất khẩu của Nga lớn hơn nhưng phương Tây tránh hành động quá nghiêm khắc vì sợ đẩy giá năng lượng tăng vọt. Nhập khẩu khí đốt từ Nga của EU giảm đáng kể. Nga có khả năng hạn chế trong việc chuyển hướng xuất khẩu sang Trung Quốc, do đường ống nối hai nước còn nhỏ. Vận chuyển nhiều hơn bằng đường biển đòi hỏi các nhà máy hóa lỏng mới cần có thời gian để xây dựng và cần công nghệ tinh vi. Rystad Energy, một công ty tư vấn, dự báo rằng doanh số bán khí đốt của Nga sẽ giảm xuống còn 136 tỷ m3 năm nay, từ 241 tỷ m3 vào 2021.

Từng nhập 40% lượng dầu thô xuất khẩu của Nga, EU đã áp trần giá dầu nước này cuối năm ngoái. Vào tháng 2, một gói trừng phạt tương tự có hiệu lực với dầu tinh chế. Nhưng khách hàng châu Á tích cực mua số dầu mà châu Âu từ chối. Vào tháng 3, gần 90% tổng xuất khẩu dầu thô của Nga là sang Trung Quốc và Ấn Độ, theo ước tính của Kpler.

Một hệ sinh thái mới gồm các thương nhân và chủ hàng ngầm, chủ yếu có trụ sở tại Hong Kong và Dubai, xuất hiện để giúp vận chuyển dầu, thường với sự giúp đỡ của các ngân hàng và bảo hiểm của Nga. Khách hàng mới cộng với giá hàng hóa tăng cao đã giúp đẩy thặng dư tài khoản vãng lai của Nga lên mức kỷ lục 227 tỷ USD, chiếm 10% GDP.

Nhưng Nga khó có thể chứng kiến một năm bội thu nữa. Giá dầu Brent đã giảm xuống dưới 85 USD mỗi thùng từ mức trung bình 100 USD vào năm 2022. Dầu Urals của Nga hiện được bán với giá chiết khấu cao - trung bình dưới 50 USD vào tháng 1 và tháng 2, so với mức trung bình 76 USD vào năm 2022.

Nga sẽ cần dầu Brent trên 100 USD để cân bằng ngân sách, theo giới phân tích. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết doanh thu từ dầu mỏ của Nga trong tháng 3 thấp hơn 43% so với cùng kỳ 2022. Các nhà kinh tế dự báo thặng dư tài khoản vãng lai của nước này sẽ giảm xuống 3-4% GDP trong năm nay.

Thâm hụt ngân sách năm nay có thể tăng lên 10.000 tỷ ruble, tương đương 5% GDP, cao hơn mức 2% GDP năm ngoái. Tuy nhiên, Nga có rất nhiều lựa chọn để tài trợ cho chính mình. Các quỹ của nhà nước vẫn còn 150 tỷ USD (khoảng 10% GDP). Chính phủ cũng có thể phát hành thêm trái phiếu. Xuất khẩu bội thu năm ngoái giúp các công ty năng lượng lớn có rất nhiều tiền mặt.

Những công ty này, phần lớn thuộc sở hữu nhà nước, cũng có thể bị đánh thuế bất ngờ như năm ngoái. Các tổ chức tài chính của Nga nắm giữ đủ tài sản để trang trải khoản thâm hụt 10.000 tỷ ruble trong 25 năm – nguồn tiền khổng lồ mà chính phủ có thể tìm cách khai thác.

Một nhà hàng ở Moskva từng là nhà hàng KFC trước khi rút khỏi đất nước vào 2022. Ảnh: Moskva News Agency

Một nhà hàng ở Moskva từng là nhà hàng KFC trước khi rút khỏi đất nước vào 2022. Ảnh: Moskva News Agency

Nói cách khác, tiền không phải là một hạn chế lớn với cuộc chiến. Theo tính toán của Economist, Nga chỉ tốn khoảng 5.000 tỷ ruble mỗi năm, tương đương 3% GDP cho xung đột với Ukraine. Do vậy, thách thức lớn hơn thuộc về sản xuất đủ vũ khí và huy động quân số.

Thành tựu kinh tế thứ ba là duy trì mức sống. Năm ngoái, họ đã chi thêm 3% GDP để kích thích nền kinh tế, thông qua tài trợ trực tiếp cho các công ty, các khoản vay trợ cấp, đầu tư chung. Vào năm 2022, tỷ lệ phá sản thấp nhất trong 7 năm.

Năm ngoái, chi tiêu xã hội tăng từ 6.000 tỷ ruble lên 7.000 tỷ ruble (4,5% GDP). Quỹ hưu trí gần đây đã đổi tên thành Quỹ xã hội, phát tiền mặt nhiều hơn cho những người về hưu, các bà mẹ, người khuyết tật, các chính quyền khu vực. Tất cả giải thích tại sao chiến sự không ảnh hưởng nhiều đến mức sống người Nga.

Lương trung bình tại các công ty vừa và lớn tăng nhẹ ngay cả sau khi tính đến lạm phát. Nhìn chung, kinh tế Nga đã chứng tỏ khả năng phục hồi. GDP thực tế chỉ giảm 2-3% trong năm ngoái - ít hơn nhiều so với mức giảm 10-15% mà nhiều nhà kinh tế đã dự đoán. Goldman Sachs tính toán rằng Nga đã thoát khỏi suy thoái một năm trước. Hầu hết các nhà dự báo tin nền kinh tế sẽ tăng trưởng năm nay.

Tất cả điều này cho thấy ông Putin đủ khả năng tài chính để tiếp tục duy trì cuộc chiến. Nhưng để đẩy mạnh nhịp độ là chuyện khác. Nga từng chấp nhận được chiến tranh tổng lực, chi tới 60% GDP cho quân đội giai đoạn 1942-1943. Tuy nhiên, dù kinh tế đang tập trung hơn nhưng vẫn không phải là một bộ máy chỉ huy và kiểm soát có kế hoạch thời Xô Viết.

Nếu tăng chi tiêu cho cuộc chiến, Điện Kremlin khó duy trì ổn định kinh tế và mức sống. Vấn đề đầu tiên là huy động tiền nhanh chóng. Không phải tất cả tài sản của nhà nước đều có tính thanh khoản. Việc in tiền sẽ thúc đẩy lạm phát, làm xói mòn mức sống. Tăng nợ công hoặc thuế cũng là lựa chọn rủi ro.

Đó là chưa kể các nút thắt về nguồn cung khí tài. Việc hỗ trợ Nga quá sâu của Trung Quốc hay Vùng Vịnh của sẽ khiến phương Tây bất bình hơn. Do đó, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) trụ sở tại Mỹ, Nga có thể sẽ lựa chọn một chiến dịch tiêu hao có nhịp độ chậm hơn ở Ukraine.

Còn theo Economist, câu hỏi đặt ra hiện không còn là "Liệu Nga có thể chịu đựng một cuộc chiến tiêu hao bao lâu nữa?", mà phải là "Liệu nước này có đủ sức tăng cường nguồn lực để đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm tạo thay đổi lớn trên cục diện chiến trường?". Câu trả lời là gần như không thể. Họ cho rằng Putin đã thành công trong việc bảo vệ nền kinh tế Nga khỏi những tác động tệ nhất của xung đột và lệnh trừng phạt, nhưng theo cách khiến họ khó giành thắng lợi trong cuộc chiến.

Phiên An (theo The Economist)

Adblock test (Why?)