Các điểm đến lịch sử cho ngày 30/4 ở TP HCM

Dinh Độc Lập, hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn, địa đạo Củ Chi hút khách tham quan, tìm hiểu về lịch sử dân tộc.

Hiện TP HCM vẫn còn nguyên những dấu tích lịch sử thời chiến, được gọi chung là địa chỉ đỏ. Những nơi này từng là căn cứ bí mật, tòa nhà hành chính cũ, địa đạo, nay mở cửa cho khách tham quan.

Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn

Địa chỉ: 287/70, đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3

Hầm chứa vũ khí có diện tích khoảng 70 m2. Ảnh: Quỳnh Trần.

Hầm chứa vũ khí có diện tích khoảng 70 m2. Ảnh: Quỳnh Trần

Năm 1966, ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai), anh hùng Biệt động Sài Gòn, đã mua căn nhà để giấu vũ khí phục vụ các trận đánh Dinh Độc Lập trong cuộc tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Ông lấy cớ sửa nhà để che mắt địch, đưa vợ con về Gò Vấp, một mình ở lại, đêm đêm đào hầm. Căn hầm hoàn thành sau 7 tháng, dài 2 m, rộng 1,2 m, cao 2,5 m, với 4 cửa thoát. Vách và nền hầm bằng xi măng dày chống thấm.

Tổng số vũ khí cất giấu tại hầm trong giai đoạn 1966-1968 là hơn 2 tấn. Ngày nay, cửa sắt ngôi nhà vẫn còn nguyên những vết đạn do địch bắn. Nơi này mở cửa cho khách tham quan từ 2018, hoạt động dưới hình thức một quán cà phê, trưng bày nhiều hiện vật gắn với hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Đây là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Phở Bình

Địa chỉ: 7, đường Lý Chính Thắng, quận 3

Địa chỉ phở Bình được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989. Ảnh: mvid.

Địa chỉ phở Bình được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989. Ảnh: mvid

Quán từng là sở chỉ huy tiền phương phân khu 6 trong cuộc tổng tiến quân xuân Mậu Thân. Năm 1966, nhà cách mạng Ngô Toại mua căn nhà theo sự chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Trí (Hai Trí) - một trong những cán bộ phụ trách đơn vị đảm bảo chiến đấu của Biệt động Thành. Đây là địa điểm để liên lạc giữa chỉ huy với các cơ sở.

Nhằm che mắt quân địch, chủ nhà ngụy trang thành quán phở, các chiến sĩ biệt động là người giúp việc. Hàng ngày, tiệm đông khách nên địch không nghi ngờ. Sau cuộc tiến công, tiệm phở mới bị phát hiện, một số chiến sĩ chưa kịp thoát bị bắt giam. Ông Ngô Toại và vợ bị bắt sau đó, đày ra Côn Đảo. Năm 1988, căn phòng tọa lạc tại tiệm phở được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Qua hơn 50 năm, tiệm phở hiện vẫn hoạt động.

Hộp thư bí mật và hầm nổi Biệt động Sài Gòn (Cơm tấm Đại Hàn)

Địa chỉ: 113A, đường Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1

Bên trong quán cà phê, cơm tấm từng là trạm giao liên của lực lượng biệt động Sài Gòn. Ảnh: daily.photo_diary.

Bên trong quán cà phê, cơm tấm từng là trạm giao liên của lực lượng biệt động Sài Gòn. Ảnh: daily.photo_diary

Trước năm 1975, đây là một trong những cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Từ năm 1946, căn nhà được giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn bán cơm tấm, cà phê, nhưng thực chất là nơi cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật ra chiến khu.

Đây là điểm tụ họp buổi sáng quen thuộc của cư dân, trong đó có nhiều lính Đại Hàn (lính Hàn Quốc sang tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam) ở cư xá công binh đối diện. Do đó, cơm tấm của quán phục vụ kèm rau muống và kim chi để hợp khẩu vị của lính Đại Hàn khi đó. Ngày nay, quán cà phê - cơm tấm này vẫn mở cửa đón khách đến dùng bữa, tìm hiểu lịch sử qua các hiện vật được trưng bày trong nhà. Thực đơn vẫn còn món cơm tấm kèm kim chi thời xưa.

Bảo tàng thông minh Tình báo Biệt động Sài Gòn - Gia Định

Địa chỉ: 145, đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1

Du khách xem những bộ phim ngắn về lực lượng biệt động Sài Gòn trình chiếu trên tường. Ảnh: Quỳnh Trần.

Du khách xem những bộ phim ngắn về lực lượng biệt động Sài Gòn trình chiếu trên tường. Ảnh: Quỳnh Trần.

Các dấu tích của Biệt động Sài Gòn còn được lưu giữ tại một bảo tàng nằm trong căn nhà hơn 50 năm tuổi trên đường Trần Quang Khải, quận 1. Ngôi nhà cũng từng là cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn dưới sự quản lý của ông Năm Lai. Bảo tàng đón khách từ 24/12/2019.

Bảo tàng có diện tích hơn 100 m2, trưng bày hơn 100 hiện vật của những người lính biệt động. Lối vào có một màn hình chạm tổng hợp thông tin về lịch sử hình thành, phát triển, những trận đánh, các di tích còn lại của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Các đồ vật như bàn, ghế, tủ... trong nhà vẫn còn nguyên và được bài trí gần giống trước kia. Khách tham quan được xem những bộ phim ngắn về lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Dinh Độc Lập

Địa chỉ: 135, đường Nam Kỳ khởi nghĩa, phường Bến Thành, quận 1

Dinh Độc Lập nhìn ra đường Lê Duẩn. Ảnh: Henry Dương.

Dinh Độc Lập nhìn ra đường Lê Duẩn. Ảnh: Henry Dương

Nằm ở trung tâm TP HCM, địa điểm này được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến. Vào các dịp lễ như 30/4, Dinh Độc Lập luôn kín khách xếp hàng mua vé tham quan.

Dinh Độc Lập mở cửa tất cả các ngày trong tuần và lễ, Tết, trừ một số trường hợp đặc biệt. Giờ bán vé từ 8h đến 15h30 và giờ tham quan từ 8h đến 16h30. Có hai loại vé với mức giá là 40.000 đồng chỉ tham quan Dinh, không tham quan phòng trưng bày "Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 - 1966" và 65.000 đồng được tham quan cả Dinh và phòng trưng bày. Lần đầu đến Dinh, du khách nên trải nghiệm cả tham quan phòng trưng bày để hiểu thêm về lịch sử.

Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác

Địa chỉ: Huyện Cần Giờ

Khung cảnh ở chiến khu Rừng Sác. Ảnh: chin_chick.

Khung cảnh ở chiến khu Rừng Sác. Ảnh: chin_chick

Đặc khu Rừng Sác cách trung tâm TP HCM gần 2 tiếng di chuyển bằng ôtô. Di tích từng là "căn cứ nổi" của quân và dân miền Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đây là một vùng rừng đước, chà, đồng thời là nơi tập hợp của hàng trăm sông rạch lớn nhỏ, tạo nên những đảo nổi.

Di tích từng có tên Lâm Viên Cần Giờ, diện tích hơn 2.000 ha, đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Căn cứ tái hiện lại toàn bộ quang cảnh sinh hoạt và chiến đấu của các anh hùng khi xưa. Đến đặc khu rừng Sác, du khách có thể xem lại mô hình nhà cảnh vệ với vòng ngoài gồm những bãi chông cọc đước, chông đinh, mìn và hỏa lực đánh chặn từ xa. Vòng trong bố trí các quả mìn gài sẵn để đánh bật quân địch tiếp cận căn cứ. Ngoài ra còn có các hầm trú ẩn chữ A, chữ T, chữ H, khu vực quân y, xưởng quân giới.

Địa đạo Củ Chi

Địa chỉ: Huyện Củ Chi

Bên trong địa đạo Củ Chi. Ảnh: Quỳnh Trần.

Bên trong địa đạo Củ Chi. Ảnh: Quỳnh Trần

Cách trung tâm TP HCM khoảng 70 km về hướng tây bắc, địa đạo Củ Chi có hệ thống đường hầm dài hơn 200 km, là cứ địa vững chắc của khu ủy Quân khu, Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định.

Ngày nay di tích được bảo tồn ở hai khu vực Bến Dược (xã Phú Mỹ Hưng) và Bến Đình (xã Nhuận Đức), hút du khách khi đến TP HCM. Một số đường hầm được cải tạo, mở nắp rộng hơn cho du khách

Hệ thống địa đạo được đào từ năm 1946 và kéo dài suốt hơn 20 năm. Đây là nơi có đất sét pha đá ong nên độ bền cao, ít bị sụt lở. Những đường hầm, căn cứ ngầm sâu dưới lòng đất từ 3 đến 12 m, gồm 3 tầng, có thể chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng. Giá vé 60.000 đồng một người, mỗi khu đều có hướng dẫn viên.

Bích Phương
Nguồn: Thành Đoàn TP HCM, Sở Du lịch TP HCM

Adblock test (Why?)