Lạm phát đi lên liên tục hơn nửa năm qua và có thể tháng 1 đã là đỉnh, khả năng sẽ hạ nhiệt do sức cầu yếu, theo các chuyên gia.
Xu hướng chung của chỉ số giá tiêu dùng Việt Nam (CPI) là một đường leo dốc kể từ tháng 2/2022 đến nay (ngoại trừ tháng 7 và 8 năm ngoái có hạ nhiệt). Tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng đến 4,89%, riêng lạm phát cơ bản (chỉ tiêu phản ánh sự thay đổi mức giá chung dài hạn, sau khi đã loại trừ những thay đổi mang tính ngẫu nhiên, tạm thời của chỉ số giá tiêu dùng) tăng 5,21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dù nguyên nhân tăng được lý giải do yếu tố lực cầu của Tết Nguyên đán, theo Công ty chứng khoán SSI mức tăng lạm phát cơ bản đã vượt xa mức trung bình thường thấy thời điểm này trong năm (từ 2-3%) và tương đương các nước phát triển.
Các kịch bản lạm phát Việt Nam năm nay từ các cơ quan chức năng cũng có sự phân hóa (dao động 3,8-5%). Vì vậy, SSI cho rằng các yếu tố tác động đến lạm phát sẽ khó lường hơn rất nhiều và thậm chí mục tiêu 4,5% mà Chính phủ đưa ra cũng khá thách thức.
Năm ngoái, CPI Việt Nam ở mức 3,15%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình các nước trong khu vực là 7,85%, còn các nước phát triển có thời điểm lạm phát đạt đến hai con số. Theo các chuyên gia, lạm phát năm nay sẽ chuyển dịch từ các nền kinh tế tiên tiến sang các nước đang phát triển. Hay nói cách khác, lạm phát các nước phát triển qua đỉnh và giờ đến lượt các nước đang phát triển tìm đỉnh.
Tại tọa đàm "Điểm sáng đầu tư năm 2023" mới đây, PGS. TS Phạm Thế Anh, Giảng viên tại Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng CPI tăng từng tháng gây nên những quan ngại. Tuy nhiên, theo dự báo của ông Anh, lạm phát tháng 1 có thể đã là đỉnh và xu hướng sẽ giảm dần từ tháng 2, sau đó chững lại quanh mức 3-3,5%.
Tương tự, theo chứng khoán ACBS, các thành phần chính của CPI sẽ không tăng vọt trong nửa đầu năm 2023 và chỉ điều chỉnh nhẹ trong nửa cuối năm. "Chúng tôi cho rằng chỉ số CPI sẽ được kiểm soát tốt trong khoảng 3-4,5% và thấp hơn mục tiêu Chính phủ đề ra cho năm nay", Báo cáo Chiến lược 2023 do công ty này công bố tuần trước, nhận định.
Cơ sở của dự báo này được các chuyên gia dựa vào hai nhóm nhân tố chính. Yếu tố đầu tiên là sức cầu. Sức tiêu dùng cho đến nay vẫn yếu do thu nhập sụt giảm. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng trước tăng 15,8% so với cùng kỳ 2022 sau khi loại trừ yếu tố tăng giá. Nhưng nó chỉ bằng 88,1% nếu ước tính trong điều kiện không có Covid-19.
PGS. TS Phạm Thế Anh cho rằng sức cầu hiện yếu không chỉ do thu nhập sụt giảm. "Việc các thị trường tài sản giảm giá mạnh với đà đi xuống của vốn hóa cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản cũng làm cầu tiêu dùng giảm. Mặt bằng lãi suất cao đang khiến cho chi phí cơ hội, tiêu dùng đắt đỏ hơn nên mọi người thiên về tiết kiệm, ảnh hưởng đến sức cầu", chuyên gia này nhận định.
Chưa có nhiều tín hiệu để thấy sức mua sẽ cải thiện đáng kể trong tương lai gần. Cả HSBC và SSI đồng ý rằng cần chờ đợi những số liệu tháng 2 để có thể dự báo rõ nét hơn về xu hướng tiêu dùng sắp tới. Trong đó, SSI đang nghiêng nhiều về kịch bản tiêu dùng chậm lại dưới tác động của lạm phát.
Yếu tố thứ hai là nguồn cung tiền và điều kiện vĩ mô thế giới. Nguồn cung tiền ra nền kinh tế đến nay không nhiều. Năm qua, tăng trưởng cung tiền của Việt Nam lần đầu tiên thấp hơn 4%, trong khi các năm trước đều quanh mức 14-15%, hoặc ít nhất cũng gần 11% như năm 2021. Do vậy, lý do lạm phát gây ra bởi yếu tố tiền tệ sẽ giảm nhiều, theo ông Thế Anh.
Nhập khẩu lạm phát từ nước ngoài cũng có nguy cơ không cao khi giá nhiên liệu, nguyên vật liệu thế giới đã qua đỉnh. Đơn cử là giá dầu.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ - EIA, sản lượng của OPEC dự kiến đạt 34,37 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2023, so với 34,09 triệu thùng mỗi ngày năm ngoái. Sản lượng của các nước ngoài OPEC sẽ đạt 66,3 triệu thùng mỗi ngày trong năm nay so với 65,84 triệu thùng mỗi ngày năm ngoái.
Mỹ cũng dự kiến tăng sản xuất dầu thêm 440.000 thùng mỗi ngày. "Trên cơ sở đó, chúng tôi kỳ vọng giá nhiên liệu trong nước sẽ tiếp tục ổn định nửa đầu năm 2023 và có tác động hạn chế đến CPI", ACBS nhận định.
Viễn Thông