Ngoài tăng tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu, thuốc lá, Bộ Tài chính một lần nữa đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu thuế.
Thay đổi thuế với bia, rượu, thuốc lá và nước ngọt nằm trong đề án xây dựng Luật Thuế thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến.
Với đồ uống có đường (nước ngọt), Bộ Tài chính đề nghị chịu thuế tiêu thụ đặc biệt "với mức phù hợp". Việc này được lý giải nhằm bảo vệ sức khỏe người dân theo khuyến nghị của WHO, cũng như chủ trương của Đảng, Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cơ quan này dẫn các số liệu cho thấy tình hình tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam đã tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và 50,7 lít/người năm 2018. Tiêu thụ đồ uống có đường vẫn đang ngày càng gia tăng. Năm 2020, sản lượng đồ uống, nước ngọt có ga tại Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít.
Một số liệu khác được dẫn là theo kết quả điều tra dinh dưỡng giai đoạn 2000-2010 và 2010-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Tỷ lệ thừa cân, béo phì của trẻ em Việt Nam tăng lên nhanh chóng ở tất cả lứa tuổi và khu vực, thành thị cũng như nông thôn.
Các nước đã dần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Theo bộ, năm 2012 chỉ khoảng 15 quốc gia, đến 2021 có ít nhất 50 nước thu sắc thuế trên. Trong khu vực có 6 nước gồm Thái Lan, Philippines, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt.
"WHO khuyến cáo các Chính phủ tiến hành nhiều hành động khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh, qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng", Bộ Tài chính nêu.
Đây không phải lần đầu Bộ Tài chính muốn áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt. Năm 2014, ý tưởng này cũng được đưa ra với mức thuế suất cụ thể là 10% nhưng nhiều bộ, ngành không đồng thuận. Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tư pháp đánh giá luận cứ áp thuế khi đó chưa thực sự thuyết phục, còn Bộ Công Thương lo tác động tiêu cực tới triển vọng kinh doanh.
Với bia, rượu, thuốc lá, thuế tiêu thụ đặc biệt các năm qua đã tăng theo lộ trình. Từ năm 2016 đến 2018, sắc thuế này với rượu từ 20 độ trở lên và bia tăng từ 55% lên 65%. Thuốc lá, xì gà bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt 75% từ năm 2019, tăng thêm 5% với giai đoạn 3 năm trước đó.
Nhưng tình hình sử dụng các mặt hàng này ở Việt Nam, theo Bộ Tài chính, vẫn ở mức cao và gia tăng nhanh. Số liệu điều tra của Bộ Y tế năm 2020 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới vẫn cao (42,3%), chưa đạt được mục tiêu dưới 37%.
Tương tự, Việt Nam là nước tiêu thụ bia nhiều nhất Đông Nam Á, thứ ba tại châu Á. Năm 2019, lượng bia tiêu thụ bình quân một người khoảng 47,6 lít, gấp 1,2 lần năm 2015; rượu mạnh và rượu trắng là 3,4 lít.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc sử dụng bia, rượu, thuốc lá cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và đề xuất tăng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình.
Bộ cũng đánh giá thuế rượu, bia ở Việt Nam hiện còn ở mức thấp so với thế giới. Theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuế mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi ở nhiều nước, tỷ lệ thuế chiếm từ 40-85% giá bán lẻ. Với thuốc lá, tỷ lệ này tại Việt Nam là trên 35%, trong khi của Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%, Indonesia 51%, còn ở các nước phát triển như Australia 62%, Đức 75%, Pháp 80%.
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cũng phải đảm bảo mức tăng giá rượu, bia, thuốc lá sau khi điều chỉnh theo kịp mức tăng thu nhập và lạm phát. Cơ quan này giải thích sức mua rượu, bia của người Việt Nam tăng mạnh do thu nhập tăng nhanh trong khi giá rượu, bia tăng rất chậm.
"Nếu năm 1998, để mua 10 lít rượu Vodka Hà nội, rượu vang, rượu trắng nội địa phải chi lần lượt 8,2%, 5,9% và 1,6% GDP/người. Đến năm 2014, tỷ lệ này giảm còn 2,2%, 1,6% và 0,4%", Bộ dẫn chứng.
Anh Tú