Theo ông Phan Văn Mãi, chương trình bình ổn 20 năm qua đã giúp thành phố chặn các hiện tượng khan hàng, sốt giá như sốt giá gạo năm 2008, giá trứng 2013...
Nội dung trên được Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi chia sẻ tại hội nghị "20 năm chương trình bình ổn" ở TP HCM, ngày 29/12. Ông Mãi cho biết, chương trình này nhiều năm qua cũng giúp thành phố cân đối cung cầu hàng hóa, hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu, phát triển đồng bộ. Đặc biệt, hàng hóa bình ổn giúp người lao động, nhất là công nhân các nhà máy được mua sản phẩm với giá hợp lý.
Theo báo cáo của TP HCM, chương trình bình ổn hàng hoá bắt đầu từ năm 2002 với ngân sách chỉ 45 tỷ đồng, doanh thu lần đầu đạt 344 tỷ đồng. Đến 2013, thành phố đã không còn ứng vốn ngân sách. Đến nay, trải qua 20 năm, doanh thu của chương trình ước đạt 22.355 tỷ đồng, tăng 65 lần so với năm đầu triển khai.
Tính chung giai đoạn 2012-2022, trong khi ngân sách nhà nước chỉ ứng vốn mồi 282 tỷ đồng năm 2012, tổng doanh thu chương trình bình ổn trong 10 năm ước đạt 189.095 tỷ đồng. Hiện mặt hàng thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến là các nhóm hàng quan trọng, chiếm 18% đến 33% tổng doanh thu của chương trình.
Bà Phạm Thị Huân - Chủ tịch Công ty Ba Huân - cho biết chương trình bình ổn đã giúp doanh thu của doanh nghiệp bà tăng mạnh. Đặc biệt, thương hiệu Ba Huân được người dân đón nhận nhiệt tình.
Với Saigon Co.op - Tổng giám đốc Nguyễn Anh Đức cho rằng, thông qua chương trình, doanh nghiệp đã mở rộng điểm bán bình ổn ra 43 tỉnh/thành trên cả nước. Sau 16 năm triển khai, tổng lượng hàng bình ổn của Saigon Co.op đạt khoảng 10.000 tấn một tháng, tăng gấp 8 lần so với thời gian đầu tham gia. Các mặt hàng bình ổn của siêu thị luôn đảm bảo 100% là hàng Việt. Số lượng điểm bán cũng được mở rộng đến nhiều tỉnh thành khác, tăng từ 17 điểm lên hơn 600 điểm bán trên cả nước.
Chương trình này đóng góp lớn trong việc kìm giá hàng hóa, đưa chỉ số CPI của thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước nhưng theo các doanh nghiệp, nó vẫn tồn đọng nhiều hạn chế.
Trong đó, hoạt động điều chỉnh giá của cơ quan chức năng còn chậm, nhất là trong thời điểm bão giá tăng cao. Bên cạnh đó, chương trình chưa kết nối được nhiều các điểm phân phối ở địa phương để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Các giải pháp hỗ trợ được triển khai tích cực nhưng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp vào một số thời điểm chưa kịp thời.
Do đó, chủ tịch thành phố yêu cầu thời gian tới, chương trình bình ổn thị trường phải tiếp tục phối hợp với các tỉnh, thành địa phương liên kết phát triển, hình thành các vùng chuyên canh đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện về an toàn thực phẩm gắn với sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Chương trình bình ổn của TP HCM ban đầu chỉ có vài doanh nghiệp tham gia, đến nay, đã có 69 doanh nghiệp và 12 tổ chức tín dụng.
Chương trình được thực hiện với 4 nhóm hàng gồm: lương thực, thực phẩm; hàng hóa phục vụ khai giảng; nhóm sữa; hàng phòng chống dịch. Với hàng hóa ngày thường, lượng hàng bình ổn chiếm từ 25% đến 33% nhu cầu thị trường. Với ngày Tết, lượng hàng bình ổn chiếm 25-45% nhu cầu.
Theo quy định, các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu giá bán thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đăng ký giá ít nhất 5-10%. Các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, giá bán thấp hơn thị trường ít nhất 10-15%. Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng hoặc giảm từ 5% trở lên doanh nghiệp được đăng ký điều chỉnh giá bán bình ổn với Sở Tài chính.
Thi Hà