Tháng 11, Việt Nam tiếp tục xuất siêu gần 0,8 tỷ USD, giúp thặng dư 10,6 tỷ USD sau 11 tháng.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hoá trong tháng 11 có dấu hiệu chững lại so với tháng trước, khi giảm gần 4% về kim ngạch, đạt xấp xỉ 29,2 tỷ USD. Mức này giảm tới hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng nhờ các tháng đầu và giữa năm xuất khẩu cao nên tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 342,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2021.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu, chiếm tới 89%, tương đương năm ngoái. Nông, lâm, thuỷ sản chiếm 6,6% trong tổng kim ngạch, giảm 0,5 điểm phần trăm so với 2021.
35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm gần 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tăng gần 2% trong tháng 11 với 28,4 tỷ USD. Doanh nghiệp khu vực có vốn nước ngoài chiếm hơn 64% kim ngạch nhập khẩu, với 18,2 tỷ USD; còn lại là doanh nghiệp trong nước (10,2 tỷ USD). Luỹ kế 11 tháng, Việt Nam nhập trên 331,6 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ 2021.
Tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 673,8 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam xuất siêu 10,6 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước con số này chỉ 0,6 tỷ USD.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 101,5 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với gần 110 tỷ USD.
Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Chẳng hạn, sau 3 năm thực thi CPTPP, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường trong khối tăng 75-100%. Điện thoại và linh kiện, nhóm điện tử và máy vi tính, máy móc, phụ tùng, dệt may, da giày... là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang khu vực này.
Hay nhờ tận dụng tốt những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhiều mặt hàng xuất sang EU tăng trưởng cao, như sắt thép 200%, cà phê tăng hơn 75%...
Bộ này cho biết sẽ phát huy vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường và mặt hàng xuất khẩu; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới và cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp.