Bên cạnh nước lèo thơm ngọt vị miền Tây, món ăn còn ghi điểm nhờ sợi hủ tiếu nhỏ, khô, dai và giòn.
Hủ tiếu Mỹ Tho là thương hiệu nổi tiếng ở miền Nam, bên cạnh hủ tiếu Sa Đéc và Nam Vang. Đây là một trong những món ăn có thể dùng được cho cả ba bữa sáng, trưa và chiều tối rất quen thuộc với người dân miền Tây Nam Bộ.
Cô Tư - người bán hủ tiếu lâu năm - chia sẻ hủ tiếu Mỹ Tho xuất hiện vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ 20. Theo thời gian, tên gọi hủ tiếu Mỹ Tho đã trở thành một trong những đặc sản nổi tiếng ở Tiền Giang, được nhiều du khách biết đến và ưa thích.
Một trong những điểm dễ nhận biết của món ăn này chính là sợi hủ tiếu nhỏ, khô, dai, giòn, vị chua nhẹ, làm từ gạo Gò Cát thuộc xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho. Đây là loại gạo mà khi trộn với nước, sau đó đem tráng nóng, phơi khô, sẽ cắt ra thành những sợi hủ tiếu có độ dai.
Ngoài sợi bánh đặc trưng, món hủ tiếu còn gây ấn tượng bởi nước lèo ngọt, thơm, đậm đà. Cô Tư bật mí bí quyết để có nồi nước lèo ngon nhất định không thể thiếu xương ống, khô mực, tôm khô, củ cải trắng cùng một số nguyên liệu khác. Đặc biệt, món ăn này còn có thịt cắt lát, thịt bằm, gan, tôm... cùng giá sống, xà lách, cần tây, hành phi, chanh, ớt, tiêu, sa tế.
Khi thực khách gọi món, người bán sẽ chần sợi hủ tiếu qua nước sôi vài phút. Nếu để lâu quá, sợi hủ tiếu sẽ bị bở hoặc mềm, không ngon. Sau đó, người bán sẽ cho hủ tiếu vào tô, thêm ít tóp mỡ, hành phi, nước tương và trộn đều. Cách này giúp sợi hủ tiếu trong, bóng và bắt mắt.
Tô hủ tiếu đúng kiểu Mỹ Tho thường có nhiều thịt băm. Sau khi trộn đều những sợi hủ tiếu, người bán tiếp tục cho lên trên thịt băm đã xào sẵn. Nếu thực khách chọn cách ăn hủ tiếu theo dạng nước (chan nước lèo trực tiếp vào trong tô), người bán sẽ sắp xếp các loại "topping" như thịt heo cắt lát, gan, phèo, tôm, mực, trứng cút... lên trên, rồi chan nước lèo vào. Cuối cùng, rắc thêm ít hành lá, tóp mỡ, hành phi... cho dậy mùi thơm.
Một số thực khách khác lại chọn cách thưởng thức món hủ tiếu Mỹ Tho theo dạng khô (không chan nước lèo). Người bán sẽ múc nước lèo cho vào một chén riêng, bên trong có thêm thịt, gan, tôm, phèo, hành và tiêu... Sợi hủ tiếu vừa trụng sẽ được trộn thêm ít nước tương, giấm đường cho hài hòa gia vị để ăn kèm chén nước lèo.
Nếu thích khẩu vị đậm đà, bạn cần pha thêm nước chấm gồm các thành phần như nước tương, chút chanh, đường, thêm ớt tươi hoặc sa tế. Tất cả nguyên liệu này đã được quán đặt sẵn tại bàn ăn giúp thực khách tự pha theo ý thích. Chén nước chấm vừa pha có thể chấm cùng "topping" kèm theo.
Hiện nay, món hủ tiếu Mỹ Tho đã trở nên thân thuộc và gần gũi với nhiều người. Tại TP HCM, nếu thích món ăn này, thực khách có thể ghé những tiệm trên đường Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình), Hùng Vương (quận 5), Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp), Hoa Mai (quận Phú Nhuận)... Giá một tô hủ tiếu từ 35.000 đồng.
Khánh Thiện