Các đại biểu Quốc hội cho rằng nợ tư nhân trong và ngoài nước tuy không phải Chính phủ bảo lãnh nhưng cần được kiểm soát chặt để tránh rủi ro, tác động dây chuyền.
Sáng 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại nghị trường về tình hình kinh tế xã hội 2022, kế hoạch 2023.
Ông Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho hay, nợ tư nhân phi tài chính hiện chiếm khoảng 140% GDP (khoảng 515 tỷ USD, tính theo quy mô GDP 2021), trong đó tỷ lệ không nhỏ là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành.
"Nợ trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, lãi suất cao, không có bảo lãnh, không công khai nên khó kiểm soát, rủi ro cao", đại biểu TP HCM nhận xét, và lo ngại nguy cơ tác động dây chuyền khi có biến động về thị trường hay năng lực thanh toán.
Ông cho rằng, Chính phủ cần kiểm soát nợ tư nhân trong và ngoài nước, dù đây không phải các khoản nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Chung mối lo, đại biểu Tạ Thị Yên (tỉnh Điện Biên) cho rằng, sai phạm trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp đã được phát hiện, ngăn chặn gần đây nhưng để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế.
Theo bà, nếu không có những quyết sách quyết liệt, kịp thời, phục hồi niềm tin của thị trường, hệ lụy từ những yếu kém này sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế, nhất là bối cảnh thế giới, khu vực bất ổn, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu hiện hữu.
Trước đó, trong phiên Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2022 và kế hoạch 2023, ngày 20/10, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, nhận xét quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp có giai đoạn tăng nóng, cơ cấu thị trường trái phiếu thiếu cân đối. Việc dùng vốn huy động qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sai mục đích, thiếu minh bạch.
Theo đó, ông đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, và đánh giá thận trọng, chính xác về mức độ ảnh hưởng để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững của thị trường tiền tệ, thị trường vốn.
Nhắc tới nợ xấu, ngân hàng yếu kém,... đại biểu Trương Trọng Nghĩa ví đây như một trong những "món nợ" tồn đọng từ nhiệm kỳ trước cần giải quyết dứt điểm. "Những yếu kém này đang để lại những gánh nặng tài chính lớn cho nền kinh tế, ngân sách và tăng trưởng. Càng kéo dài, thiệt hại càng tăng", ông Nghĩa bình luận.
Trong khi đó, đề cập tới xử lý các dự án thua lỗ, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) nói "thấy đau lòng" khi còn nhiều dự án đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng trong tình trạng lỗ, đắp chiếu, trùm mền. "Số dự án này vẫn phải trả lãi hàng ngày, chờ được cấp thêm vốn để khắc phục nhưng chưa biết tương lai về đâu", ông Hận nói.
Theo ông, với hàng chục nghìn tỷ đồng đã rót vào đầu tư nhưng hiện nhiều dự án phải trùm mền, báo lỗ theo từng ngày hoạt động, và có tổng nợ phải trả đã vượt tổng mức đầu tư ban đầu.
Thời gian đủ lâu, đủ dài để đánh giá hiệu quả các dự án này, ông đề nghị Chính phủ báo cáo việc xử lý dứt điểm, xem dự án nào có thể bán đấu giá, dự án nào cần giải thể và xem xét trách nhiệm cán bộ liên quan...
Hôm nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại nghị trường về kinh tế xã hội, ngân sách. Các bộ trưởng: Công Thương, Tài nguyên & Môi trường, Thống đốc Ngân hàng nhà nước... sẽ giải trình những vấn đề đại biểu nêu.