Bộ trưởng Công Thương: Miền Nam thiếu xăng vì phụ thuộc nhiều vào xăng lậu

Tình trạng cây xăng đóng cửa chỉ tập trung ở TP HCM và các tỉnh phía Nam - khu vực trước đây phụ thuộc nhiều vào nguồn xăng trôi nổi, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Phát biểu ở tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách sáng nay, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên dành phần lớn thời gian giải thích chuyện xăng dầu bất ổn vừa qua.

Về nguồn cung, theo Bộ trưởng, Việt Nam chưa bao giờ thiếu. "Dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác", ông nói.

Ông dẫn chứng số liệu tới ngày 30/9, dự trữ thương mại là hơn 1,25 triệu m3 xăng dầu. Nguồn từ hai nhà máy lọc dầu trong nước (Dung Quất, Nghi Sơn) cung ứng 80% nhu cầu trong nước, tương đương 1,36 triệu m3 xăng dầu. Cộng với lượng 0,5 triệu m3 nhập khẩu trong tháng 10 từ các đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Tổng cộng nguồn cung xăng dầu trong nước ở cuối tháng 9, giữa tháng 10 khoảng 3 triệu m3 xăng dầu. Với lượng dự trữ này, ông Diên khẳng định, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại thảo luận tổ, sáng 22/10. Ảnh: Hoài Thu

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại thảo luận tổ, sáng 22/10. Ảnh: Hoài Thu

Tình trạng đóng cửa, ngưng bán xăng dầu vừa qua theo ông Diên, không xảy ra trên phạm vi cả nước mà chỉ tập trung ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Ngoài nguyên nhân doanh nghiệp bị lỗ, khu vực này trước đây có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Vì thế, người kinh doanh không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu cũng như chuyện mua hàng từ mối ổn định.

Vừa qua, lực lượng chức năng siết chặt, triệt phá hàng loạt đường dây buôn xăng dầu giả. Do đó, khi nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động, chiết khấu thấp, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang "kiếm được nhiều tiền, giờ kiếm ít hơn", thậm chí bị lỗ nên theo Bộ trưởng, "không ai muốn làm".

Nguồn cung trong nước đủ nhưng nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn đóng cửa, hết xăng, theo Bộ trưởng Công Thương, do giá biến động lớn, khiến doanh nghiệp thua lỗ.

"10 kỳ điều hành liên tiếp, tức 300 ngày, giá liên tục giảm nhưng hiện bắt đầu tăng trở lại. Tức, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã phải nhập giá cao ở các kỳ trước, nhưng bán giá thấp, họ bị thua lỗ, khủng hoảng", ông nói.

Bên cạnh đó, loạt chi phí kinh doanh xăng dầu (lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí đưa từ nước ngoài về cảng; từ nhà máy lọc dầu trong nước về các kho bãi...) đã lạc hậu.

Một lý do khác chưa từng được đại diện Bộ Công Thương đề cập được ông Diên hé lộ là vừa qua cơn lốc chứng khoán, bất động sản cũng có tác động nhất định. Theo ông, một số doanh nghiệp xăng dầu tham gia ít nhiều vào chứng khoán, bất động sản, ảnh hưởng tới nguồn tiền nhập hàng.

"Trong bối cảnh giá nhập cao, giá bán ra thấp nên tới kỳ nhập hàng họ không có nguồn tiền để nhập", ông thông tin.

Nguyên nhân nữa, theo ông, là hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý kinh doanh xăng dầu chưa được thay đổi. "Ngay những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn cũng không có tiền để nhập hàng, chứ chưa nói doanh nghiệp làm ngoài ngành", ông nêu.

Có thực trạng các doanh nghiệp xăng dầu ký với nhiều thương nhân đầu mối, phân phối, dẫn đến "lắm mối tối nằm không", không mua được hàng khi thị trường biến động. Vì vậy, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - đơn vị chiếm thị phần lớn của cả nước), không bao giờ thiếu hàng nhưng do phải ưu tiên bảo đảm cho hệ thống, nên cũng không thể cấp hàng ra khi nhu cầu tăng.

Về giá xăng dầu của Việt Nam, ông Diên đặt vấn đề cả thế giới đều điêu đứng vì giá năng lượng tăng cao. Thậm chí, giá cao nhưng cũng "không có hàng để mua".

"Giá của Việt Nam thấp nhất khu vực, có thể nói thấp nhất thế giới", ông Diên nói và dẫn chứng về giá bán lẻ xăng tại Nga - nơi cung cấp 30-35% nguồn năng lượng thế giới. Mỗi lít xăng của Nga hiện 58-60 ruble, tương đương 1-1,2 USD, tức khoảng 30.000 đồng còn giá Việt Nam hiện quanh 23.000 đồng.

Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá thiếu phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về xăng dầu.

"Vừa qua chúng ta đã chứng kiến cú sốc liên quan tới xăng dầu. Bộ Công Thương, Tài chính đã điều hành chưa sát thực tế thị trường", ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP HCM (đoàn đại biểu TP HCM) nhận xét, khi thảo luận tại tổ TP HCM.

Nguyên nhân theo ông, do nguồn cung xăng dầu trên thị trường không đủ, khiến người dân khó khăn mua nhiên liệu. Tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có TP HCM, có thời điểm người dân phải chờ đợi, xếp hàng dài chờ đổ xăng.

Đồng tình, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói, không nên xem chuyện xăng dầu là nhỏ, bởi mặt hàng này khan hiếm thì vận chuyển lương thực khó khăn, có thể dẫn tới mất an ninh lương thực, khủng hoảng cục bộ.

Ông Mãi đề nghị cần có đánh giá sâu, đồng bộ hơn từ các cơ quan quản lý xăng dầu và cần cơ chế dự trữ năng lượng, trong đó có xăng dầu với các trung tâm kinh tế lớn cả nước như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng...

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại thảo luận ở tổ, sáng 22/10. Ảnh: Anh Minh

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM phát biểu tại thảo luận ở tổ, sáng 22/10. Ảnh: Anh Minh

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn đại biểu tỉnh Kiên Giang) nhận xét, quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn bất cập, như trong lĩnh vực xăng dầu, cho thấy sự phối hợp giữa các bộ, ngành khi "bộ này đổ lỗi cho bộ kia".

"Miền Nam thiếu cục bộ nguồn cung xăng dầu, người dân bức xúc. Các cơ quan quản lý điều tiết xăng dầu chưa chặt chẽ, không kịp thời", bà Bé nhận xét.

Nữ đại biểu tỉnh Kiên Giang đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và cần chỉ đạo điều hành giữa các bộ, ngành để tình trạng này không tái diễn.

"Doanh nghiệp nói buôn bán phải có lời, nhưng thời gian qua mua vào, bán ra lỗ, chiết khấu bằng không, làm sao bán, kinh doanh được. Cần nghiên cứu giải pháp điều tiết phù hợp", nữ đại biểu tỉnh Kiên Giang đề nghị.

Về trách nhiệm ngành Công Thương trong quản lý, điều hành xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hiện mặt hàng này do 7 bộ, ngành và địa phương cùng quản lý.

Bộ Công Thương được giao quản lý về nguồn cung xăng dầu ra thị trường, quản lý hệ thống phân phối từ doanh nghiệp đầu mối tới thương nhân phân phối. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm rà soát, điều chỉnh thuế, phí, các chi phí kinh doanh xăng dầu trong giá cơ sở. Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo lưu thông; Bộ Khoa học & Công nghệ quản lý chất lượng xăng dầu, còn môi trường thuộc trách nhiệm Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Hệ thống kinh doanh xăng dầu gồm doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối (đơn vị nhận hàng từ đầu mối), đại lý/tổng đại lý và cửa hàng bán lẻ. Trong chuỗi này, số lượng đại lý/tổng đại lý bán lẻ hiện khoảng 17.000 cửa hàng, do chính quyền các tỉnh, thành phố cấp phép, quản lý trực tiếp. Ông Diên cho rằng, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, kiểm soát và xử lý hệ thống đại lý/tổng đại lý để đồng bộ cùng quản lý nhà nước.

Về giải pháp cho thị trường xăng dầu, Bộ trưởng khẳng định tới đây sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, song trước mắt vẫn thực hiện theo quy định, nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ xử phạt, thậm chí thu hồi giấy phép.

"Thời gian tới chúng tôi đề xuất hình thức nếu lần 1 kiểm tra phát hiện vi phạm sẽ phạt tiền, lần 2 vẫn vi phạm thì phạt tiền cao hơn và nếu vi phạm lần 3 thì thu hồi vĩnh viễn", Bộ trưởng nói.

Góp ý, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn đại biểu TP HCM) đề nghị rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, để tránh tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ mỗi lần điều chỉnh giá.

"Các cơ quan cần xem xét, tính toán sao cho hiệu quả, đảm bảo cung cầu, giá cả, chi phí. Đó là bài toán mà Chính phủ cần tập trung nhiều hơn để tháo gỡ, vì người dân rất bức xúc", ông Ngân nói.

Dự báo tình hình xăng dầu còn nhiều biến động, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội cần ủy quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề liên quan đến thuế xăng dầu.

Anh Minh - Viết Tuân

Adblock test (Why?)