Vợ chồng Hải Yến mỗi người một chiếc môtô phân khối lớn, đi từ Hà Nội đến Cà Mau hơn 3.800 km sau khi kết hôn.
Chu Hải Yến (29 tuổi, Hà Nội) là một travel blogger. Cô được biết đến nhiều với hành trình xuyên Việt độc hành bằng môtô năm 2018. Chuyến đi này trở thành dấu mốc quan trọng trong tuổi trẻ của Yến. Cô luôn ấp ủ thực hiện thêm một lần xuyên Việt khác, để tìm lại cảm giác tự do, nhưng với người bạn đồng hành của riêng mình, và một chiếc môtô lớn hơn.
Yến mất 4 năm để hiện thực hóa ước mơ. Đầu 2022, cô lấy chồng. Bạn đời của cô cũng đam mê du lịch bụi và yêu thích những chiếc xe phân khối lớn. Hay nói theo cách của Yến, hai người có chung "một dòng máu pha xăng".
Sau khi tổ chức đám cưới, hai vợ chồng lên kế hoạch đón tuần trăng mật đặc biệt với hành trình xuyên Việt 15 ngày. "Bọn mình đã ấp ủ dự định này từ khi mới yêu nhau. Không có gì tuyệt hơn việc hai người cùng nhau đi, cùng khám phá những vùng đất mới và cùng nhau trở về", Hải Yến chia sẻ.
Xuất phát từ Hà Nội với tư trang đơn giản: vài ba bộ quần áo, đồ sửa chữa xe, vật dụng cá nhân, thẻ tín dụng... hai vợ chồng lên đường cùng hai chiến mã Ducati Scrambler và Triumph Bonneville T120. Hai chiếc xe đều sở hữu khối động cơ thiên về sức bền và sự ổn định trong vận hành, phù hợp với cung đường xa. Yến chạy chiếc Ducati Scrambler, 800 phân khối, khá lý tưởng với các nữ biker.
Trong 15 ngày, vợ chồng nữ travel blogger đã đi tổng quãng đường 3.800 km, di chuyển liên tục, có ngày cao điểm 600 km. Hành trình bắt đầu từ Hà Nội đến cực Nam là mũi Cà Mau. Họ đi qua hơn 50 tỉnh thành cả nước, dừng chân tại một số điểm du lịch nổi tiếng như: Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Hội An (Quảng Nam), Kon Tum, Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), Đà Lạt (Lâm Đồng), Bình Hưng (Khánh Hoà), Mũi Né (Bình Thuận), TP HCM...
Ngày đầu tiên, quãng đường dài 580 km thuận lợi vì chặng đầu còn nhiều năng lượng. Hai vợ chồng chạy xe nối tiếp nhau, đi theo hướng đường mòn Hồ Chí Minh. Đây là cung đường khá quen với Yến nên chạy nhanh, giữ nguyên tốc độ cao suốt mấy tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, Yến cho biết dù đường quen hay lạ khi chạy xe vẫn luôn phải giữ đầu óc thật tỉnh táo, không được để xảy ra sai sót vì tốc độ và lưu lượng xe nhiều đoạn đông và khó kiểm soát.
Trời tối mịt, hai vợ chồng đến Phong Nha, vừa kịp bữa cơm tối. "Năm 2018 cũng cung đường này nhưng mình đi hai ngày mới đến nơi. Vừa đi vừa lo lắng về phía trước. Giờ có bạn đồng hành nên yên tâm hơn nhiều. Mình cũng có kinh nghiệm chạy xe côn hơn, chỉ việc căng ga và tận hưởng cung dường", Yến kể.
Khắc nghiệt nhất là cung đường huyền thoại của dân phượt: Đông - Tây Trường Sơn, 585 km. Khác với tất cả những khúc cua đèo núi Hải Yến từng chạy từ Tây Bắc đến Đông Bắc, đường đèo ở Đông Tây Trường Sơn chủ yếu là đường bê tông nhỏ, cua ngắn, gấp, lên xuống không ngừng, trải dài liên tục tới hơn 500 km, từ Phong Nha - A Lưới (Huế) - A Tép (Quảng Nam), cho tới Thạnh Mỹ... Những địa danh, chứng tích lịch sử hào hùng của chiến tranh lần lượt hiện lên dưới cái nắng cháy da thịt miền Trung.
Họ chạy xuyên qua những khu rừng nguyên sinh hoang sơ tuyệt đẹp, hay hun hút lao đi trong bóng đêm mịt mùng hàng trăm cây số không một bóng đèn, bóng người của Đông Tây Trường Sơn. Có những thời điểm, Yến thấy mông lung tưởng như muốn bỏ hết tất cả.
"Những lúc đó chồng mình luôn ở cạnh, động viên, thậm chí phải dỗ dành như với em bé. Cuối cùng mình cũng bình tâm và vượt qua tất cả để đến được Hội An ngay trong đêm, bộ dạng tả tơi, đói run người. Không thể thảm hơn", Yến nhớ lại cung đường khó khăn nhất của hành trình.
Mỗi con đường dẫn lối giúp vợ chồng Hải Yến hiểu hơn về đất nước, hiểu về nhau và hiểu chính bản thân. Cảm giác lái xe rong ruổi, lao về phía trước trên những con đường ấy, mạo hiểm nhưng cũng rất an toàn khi luôn theo sát phía sau là người bạn đời dày dặn kinh nghiệm.
Hải Yến chia sẻ nhiều điểm dừng chân đẹp đến nỗi dù có đi qua bao nhiêu lần cũng không hết nao lòng, trong đó có Vĩnh Hy (Ninh Thuận). Con đường dẫn tới Vĩnh Hy trải dài gần 40 km, đầy nắng, gió, xen qua các núi đá và các con dốc, đèo để tới được nơi cao nhất, nhìn eo vịnh từ trên cao xuống.
Do phần dành phần lớn thời gian di chuyển trên đường, trung bình 400 km chạy xe mỗi ngày, trong hành trình này, vợ chồng Hải Yến ưu tiên những khách sạn cao cấp, phục vụ sẵn đồ ăn. Khi dừng chân có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng.
Chặng Tây Nguyên sáng nắng chiều mưa, mịt mùng trên những con đèo heo hút xuyên qua rừng thông. Những con đường huyết mạch liên tỉnh như dành riêng cho dân biker. "Bao nhiêu nắng, gió, những cơn mưa bão dọc đường táp hết lên da thịt của hai đứa. Bên ngoài trông rất thảm nhưng bên trong tinh thần vẫn vững vàng, an tâm vì khó khăn nào cũng đồng hành cùng nhau. Nên bọn mình cứ thế tiến về phía trước", Hải Yến kể.
Ngày 27/3, vợ chồng nữ travel blogger dừng chân tại điểm cực Nam mũi Cà Mau. Tại đây, ước mơ cùng người bạn đời của mình đi tới tận cùng bản đồ đất nước của Hải Yến đã thành hiện thực. Trong 15 ngày rong ruổi, cùng nhau đi qua những cung đường đẹp, những lối nhỏ khó nhằn, những ngày trời xanh, mây trắng và cả những ngày trời mưa hối hả.
"Lúc đứng nắm tay chồng chụp ảnh tại cột mốc mũi Cà Màu, tự nhiên tôi thấy xúc động. Tôi nghĩ mình là người may mắn vì tuổi trẻ được sống với đam mê, và còn may mắn hơn khi tôi tìm được người bạn đời có cùng đam mê với mình. Lần xuyên Việt này, ở mỗi điểm check-in tôi đã không còn cô đơn giữa thiên nhiên rộng lớn", Hải Yến bồi hồi nhớ lại.
Chuyến đi của vợ chồng Hải Yến vào đúng thời điểm giá xăng tăng cao. Chỉ riêng chi phí xăng hết hơn 14 triệu đồng, dầu 4 triệu đồng. Theo Yến, việc bảo quản và chăm sóc xe liên tục rất quan trọng với những chuyến xuyên Việt dài ngày.
Tuần trăng mật của hai vợ chồng kết thúc tại TP HCM, họ bay về Hà Nội và gửi hai chiếc xe về theo đường tàu hỏa.
Thanh Thúy
Ảnh: NVCC