Kiến trúc sư kiêm nhiếp ảnh gia Đặng Đức Vinh chia sẻ kinh nghiệm để có chuyến đi chơi an toàn, vui vẻ.
Dưới đây là những nhóm người có thể khiến chuyến đi của bạn gặp rắc rối, theo chia sẻ của anh Đặng Đức Vinh, 37 tuổi, sống ở Pháp từ 2012.
Nhóm xin chữ ký: thường là nữ, có thể trùm khăn hoặc không, tay cầm giấy và bút rồi cố tình đưa cho khách. Địa điểm thường gặp là ở sân bay, nhà ga, đại lộ Champs Elysee. "Bạn cầm bút ký xong, họ sẽ đòi tiền hoặc nhân lúc bạn mải ký, sẽ lấy trộm đồ. Khi gặp trường hợp này hãy nói không, rồi bỏ đi", anh Vinh chia sẻ.
Nhóm cờ bạc bịp: Có ba cái cốc úp trên mặt đất. Mọi người sẽ đặt tiền cho chiếc cốc họ nghĩ bên trong chứa viên xúc xắc hoặc thứ tương tự. Nếu trúng, sẽ được tiền gấp đôi. "Bạn không bao giờ thắng trò này. Nếu thích, có thể đứng xem cho vui. Nếu không, bạn có thể bỏ đi vì nhóm này chỉ dụ khách, không ép buộc".
Nhóm tặng hoa hồng: thường xuất hiện gần tháp Eiffel. Một người đàn ông sẽ đưa cho bạn đóa hồng, và sau đó xin tiền. Đối tượng mà nhóm này hướng đến là phụ nữ. Cách đơn giản là chỉ cần từ chối.
Nhóm "hoa hậu thân thiện": Kẻ lừa đảo thường là nam giới còn trẻ, cố tình tiếp cận khách rồi đánh lạc hướng bằng cách rủ chụp ảnh "tự sướng" cùng. Ngoài ra, họ có thể rủ bạn nhảy một điệu nào đó, hoặc ôm vai bá cổ trò chuyện . Lúc khách phân tâm cũng là lúc bị móc trộm đồ. Nhóm này thường chủ động hơn các đối tượng kể trên. Vì vậy, ngoài từ chối, bạn cần phản ứng quyết liệt để họ không chạm vào người.
Nhóm bán vé tàu điện ngầm: họ thường quanh quẩn trước các quầy bán vé. Họ sẽ dụ dỗ mua vé khi thấy bạn đứng xếp hàng lâu, hoặc lúng túng chưa biết cách mua từ máy. Vé này thường đã qua sử dụng hoặc đắt. Bạn nên từ chối. Nếu chưa biết cách mua vé từ máy, hãy liên hệ với nhân viên gần đó.
Nhóm cướp tiền tại máy ATM: họ thường rình khách rút tiền, rồi xông tới đẩy ngã để cướp. Thậm chí nhiều kẻ còn nhổ nước bọt, khạc vào tiền của khách. Manh động hơn, khi máy ATM vừa nhả tiền, chúng sẽ lao tới giật. Bạn nên tìm những chỗ rút tiền an toàn, như bên trong nhà, hoặc vào thẳng ngân hàng.
Nhóm nghệ sĩ đường phố rởm: họ thường làm tượng người, hút khách đến chụp ảnh rồi xin tiền. Nếu khách không cho, họ có thể chửi bới. "Bạn cần phân biệt nhóm này với các nghệ sĩ chơi nhạc trên đường phố. Nếu gặp các nghệ sĩ chơi nhạc, việc của bạn là tận hưởng âm nhạc và hào phóng tặng họ vài xu", anh Vinh lưu ý.
Nhóm cho chim ăn: họ hay xuất hiện ở những chỗ có bồ câu, như trước nhà thờ Đức Bà. Nếu bạn nhận đồ từ họ để cho chim ăn và tạo dáng chụp ảnh, bạn sẽ bị đòi tiền.
Nhóm xin tiền: thường đi theo du khách để xin xỏ. Cách duy nhất là cười trừ, rồi tránh xa. Đôi khi, bạn sẽ gặp những người lên tàu điện ngầm, đứng "kể nghèo kể khổ". Với những đối tượng này, chỉ cần "bơ" đi.
Du khách nên cẩn thận khi ở các quận 17-20, đồi Montmartre, phía bắc Paris và đặc biệt là xung quanh sân vận động Stade de France. Các đường metro thường có vấn đề về móc túi hay gặp là 1, 2, 4, 13. Nếu đi chơi về muộn, nên cố gắng đứng gần phía đầu tàu. Nơi này gần lái tàu, nếu gặp sự cố có thể kêu cứu. Hạn chế dùng điện thoại trên tàu điện ngầm. Nếu có việc cần sử dụng, nên đứng xa phía cửa ra vào vì kẻ gian dễ bị giật và chạy thoát. Nên đứng tựa lưng vào tường, vì có thể quan sát phía trước trong lúc dùng điện thoại.
Nếu đi chơi về lúc tối trời và không có tàu điện ngầm, hãy bắt Uber. "Uber Paris vừa rẻ lại an toàn, nhiều xe đẹp và lịch sự. Nếu muốn tiết kiệm và đi bộ, không nên vừa đi vừa đùng điện thoại. Cũng không nên đeo tai nghe khi đi bộ vì cần phải xem có ai đi sau lưng hay không".
Do đặc thù nghề nghiệp cũng như sở thích cá nhân, anh Vinh thường xuyên lang thang ở Paris. Vì vậy, anh nhiều lần chứng kiến các vụ lừa đảo nhằm vào du khách. Ngay bản thân Vinh cũng gặp kẻ xấu, đó là lần đầu đến Paris năm 2008. "Một nhóm thanh niên ôm vai bá cổ, tôi ngây thơ nghĩ rằng người nước ngoài thân thiện nên mất tập trung. Đến khi chúng rời đi, tôi mới biết mình mất ví. Lần khác, tôi được một người xin chữ ký và mất tiền tại sân bay", anh Vinh chia sẻ.
Dù vậy, anh Vinh cũng nhấn mạnh không phải du khách nào đến Paris cũng gặp các đối tượng kể trên, không phải cứ đến Paris là bị lừa. "Tôi chia sẻ chi tiết với mong muốn mọi người có chuyến du lịch an toàn, chứ không phải kể xấu hay dọa dẫm. Paris vẫn là thành phố đáng để yêu và ghé thăm nhất châu Âu", anh nói.
Phương Anh
Ảnh: NVCC