Bò leo núi An Giang

Thực khách có thể lầm tưởng món ăn được chế biến từ thịt bò nuôi trên núi nhưng thực chất tên gọi này lại bắt nguồn từ cách thưởng thức.

"Tôi và bạn chạy xe từ TP HCM về đến Tân Châu (An Giang) thì trời mưa lớn, hai đứa ghé đại một quán ăn trên đường và gọi bò leo núi. Tôi tưởng đó là loại thịt bò nuôi kiểu chạy bộ nhưng không phải", anh Gia Nghĩa, một thực khách, kể về lần đầu thưởng thức đặc sản An Giang.

Bò leo núi là món ăn có nguồn gốc từ Campuchia, được người dân vùng đất Tân Châu học hỏi và biến tấu theo công thức riêng. Thực khách dễ lầm tưởng món ăn được chế biến từ thịt bò nuôi trên núi nhưng tên gọi của đặc sản này thực chất lại bắt nguồn từ cách thưởng thức.

Thịt bò được nướng trên vỉ có thiết kế nhô cao như hình quả núi. Ảnh: Mỹ Nhung.

Thịt bò được nướng trên vỉ có thiết kế nhô cao như hình quả núi. Ảnh: Mỹ Nhung

Nguyên liệu chính của món ăn gồm thịt bò thái miếng dày, sau đó tẩm ướp với gia vị truyền thống. Thực khách có thể ăn cùng các loại rau củ theo mùa và không thể thiếu trứng gà. Trứng gà tươi đập sẵn ở chính giữa đĩa thịt, khi ăn khách tự khuấy đều để làm mềm thịt bò, và tăng thêm vị ngậy.

Món ăn trở thành đặc sản, thu hút du khách bởi cách chế biến độc đáo. Thịt bò được xếp lần lượt trên chiếc vỉ nướng bằng gang, ở giữa thiết kế nhô lên như một quả núi. Trước khi ăn, người ta đặt một miếng mỡ lợn dày trên đỉnh vỉ. Sức nóng của bếp than hồng làm miếng mỡ lợn chảy đều, thấm vào thịt bò.

Vỉ nướng này được để bên trong chiếc nồi chứa nước lẩu ninh từ xương bò. Trong khi chờ thịt chín, khách có thể nhúng rau và nhiều thực phẩm khác vào nước lẩu. Người địa phương gọi đây là cách chế biến "nhất tiễn song tiêu" (hai trong một), trên nướng dưới lẩu.

Mỗi phần bò leo núi có giá từ 100.000 đến 200.000 đồng tùy lượng thịt bò, cho hai đến bốn người ăn. Món này được bán kèm bánh tráng, rau sống, nước chấm công thức riêng của từng quán. Nhiều nơi thường chấm bằng mắm Bồ Hốc (Prahok), một loại mắm đặc trưng của người Khmer, Campuchia.

Món ăn hai trong một, trên nướng dưới lẩu. Ảnh: Mỹ Nhung

Món ăn hai trong một, trên nướng dưới lẩu. Ảnh: Mỹ Nhung

Thưởng sức bò leo núi sẽ ngon nhất khi miếng thịt còn nóng hổi, vừa ăn vừa thổi. Chị Mỹ Nhung, chủ quán nướng ở thị trấn Tây Giang, cho biết đây cũng là lý do khách tới quán chị thường đông nhất vào buổi tối, hoặc khi trời mưa.

Mùa cao điểm từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm, mỗi tối, quán chị Nhung tiêu thụ gần 100 suất bò leo núi. Thực khách chủ yếu đến từ TP HCM, Cần Thơ, Đồng Tháp... Người địa phương cũng rất ưa chuộng món này bởi giá thành rẻ, thích hợp ngồi nhậu lai rai.

Hiện nay, ngoài Tân Châu (An Giang), món bò leo núi cũng được bán nhiều ở Sa Đéc và Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Thanh Thúy

Adblock test (Why?)