Người đứng sau các đòn phản công kinh tế của Nga với phương Tây

Khi các lệnh trừng phạt khiến pháo đài kinh tế Nga lung lay, Maxim Oreshkin đã đưa ra loạt giải pháp để phá vỡ vòng vây cho nước này.

Vài tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, phương Tây bắt đầu áp lệnh trừng phạt chưa từng có lên Moskva. Các chính sách này khiến giá đồng ruble lao dốc và Nga phải chật vật tránh vỡ nợ chính phủ.

Đến ngày 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin phản đòn, yêu cầu phương Tây trả bằng ruble khi mua khí đốt Nga. Theo các nguồn tin thân cận của Bloomberg, tác giả của chính sách này là Maxim Oreshkin – cố vấn kinh tế 40 tuổi của ông Putin.

Từ sau xung đột Nga – Ukraine, Oreshkin nổi lên là một trong các thành viên chủ chốt giúp ông Putin hoạch định chính sách kinh tế. Ông có kinh nghiệm với nền tài chính phương Tây, có thể giúp Điện Kremlin đối phó với các lệnh trừng phạt.

"Họ hiện rất bận rộn trong việc tìm ra cách xoa dịu tác động của lệnh trừng phạt và đến nay vẫn khá thành công", Sergei Guriev - nhà kinh tế học từng cố vấn cho chính phủ Nga giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông Putin cho biết.

Maxim Oreshkin khi còn là Bộ trưởng Kinh tế Nga. Ảnh: Reuters

Maxim Oreshkin khi còn là Bộ trưởng Kinh tế Nga. Ảnh: Reuters

Các chính sách phòng thủ đã giúp Nga tránh được hậu quả tồi tệ nhất về kinh tế từng được dự báo khi phương Tây mới trừng phạt. Mức sụt giảm GDP Nga hiện được dự báo chỉ bằng nửa trước kia. Đồng ruble cũng hồi phục, thậm chí thuộc top tăng giá mạnh nhất thế giới khi hàng chục tỷ USD và euro đang chảy vào Nga để đổi lấy năng lượng và hàng xuất khẩu khác.

Với chính sách thanh toán khí đốt bằng ruble, Oreshkin đã giúp Nga buộc EU nhượng bộ. Phần lớn các nước tiêu thụ nhiều khí đốt Nga đã ký thỏa thuận mới với điều khoản mở tài khoản đặc biệt ở Gazprombank để thanh toán. Việc này giúp Gazprombank né được lệnh trừng phạt.

"Tôi cho rằng hiệu quả của chính sách mua ruble bằng khí đốt này là tích cực", Oreshkin trả lời Bloomberg, từ chối bình luận về vai trò của mình trong chiến lược này.

Oreshkin là con trai út trong một gia đình trí thức ở Moskva. Ông lớn lên trong thời kỳ kinh tế biến động thập niên 90.

Cũng như Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Alexey Zabotkin và Thứ trưởng Tài chính Nga Vladimir Kolychev, Oreshkin tốt nghiệp trường kinh tế danh tiếng của Nga. Sau đó, cả ba làm việc cho các ngân hàng châu Âu trước khi được bổ nhiệm vào các vị trí hàng đầu trong chính phủ.

Họ đã giúp ông Putin xây dựng pháo đài kinh tế. Nga càng bị công kích cả trong và ngoài nước, vai trò của cả ba càng quan trọng trong việc tạo ra khả năng chống chịu cho nền kinh tế trước các cú sốc lớn từ bên ngoài.

Oreshkin tham gia chính phủ Nga năm 2013, với một vị trí lãnh đạo tại Bộ Tài chính. Năm 2015, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tài chính và năm 2016 là Bộ trưởng Kinh tế Nga. Ông làm cố vấn kinh tế cho Tổng thống Putin từ năm 2020.

Trong 3 năm làm việc tại Bộ Tài chính, Oreshkin là một trong các quan chức tạo ra cơ chế chuyển hàng trăm tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu dầu khí sang một quỹ quốc gia, giúp Điện Kremlin chống chịu các cuộc khủng hoảng như làn sóng trừng phạt năm 2014 vì sáp nhập Crimea.

Oreshkin cũng là người đưa ra các từ ngữ mà ông Putin sẽ sử dụng trong bài phát biểu. Ông còn tạo ra cụm từ mà ông Putin nhắc đi nhắc lại, như việc mô tả chính sách phong tỏa tài sản nước ngoài của Nga là "thiếu tuân thủ" nghĩa vụ với Nga.

Thời gian làm việc tại Ngân hàng Societe Generale chi nhánh Nga cũng giúp Oreshkin có kinh nghiệm về phương Tây, từ đó giúp Nga xoa dịu các tác động của lệnh trừng phạt. Ông đã đưa ra các kế hoạch nhằm hạn chế hậu quả của việc các nhà băng Nga bị loại khỏi SWIFT.

Tổng thống Putin đã đưa Oreshkin đi cùng trong chuyến thăm Iran – quốc gia có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc chống chịu lệnh trừng phạt của phương Tây. Khi được đề nghị nhận xét về các ý tưởng của Iran trong việc vượt qua lệnh trừng phạt, Oreshkin chỉ trả lời rằng: "Chính sách của chúng tôi tốt hơn nhiều".

Dù vậy, Nga vẫn gặp rắc rối khi Mỹ và các đồng minh phong tỏa 600 tỷ USD dự trữ nước ngoài mà các chính sách của Oreshkin đã góp phần xây dựng. Lần đầu tiên trong một thế kỷ, Nga bị tuyên bố là vỡ nợ nước ngoài. Nền kinh tế này không khó khăn như đầu xung đột, nhưng hiện vẫn hướng đến một trong những đợt suy thoái tồi tệ nhất nhiều thập kỷ.

Oreshkin gần đây đã trở thành cánh tay phải về kinh tế của Tổng thống Putin. Khi một số quan chức kêu gọi tăng quyền kiểm soát của chính phủ với nền kinh tế, Oreshkin đã phản đối.

"Nga sẽ không từ bỏ kinh tế thị trường", Oreshkin cho biết khi trả lời Bloomberg, "Ngược lại, các chính sách tư nhân hóa đang đặc biệt được khuyến khích. Điều này đã được đề cập trong các phát biểu của Tổng thống".

Dù vậy, cũng như các quan chức Nga khác, Oreshkin không mấy thích thú với nền kinh tế phương Tây. Ông thậm chí gọi USD là "loại ma túy được dùng để gây nghiện cho cả thế giới".

Oreshkin cũng tỏ ra lạc quan với kinh tế Nga. Ông cho rằng GDP nước này sẽ không giảm mạnh hơn 5% trong năm nay. Trong khi đó, dự báo của Bộ Kinh tế Nga hồi tháng 5 là GDP giảm tới 7,8%.

Hà Thu (theo Bloomberg, Reuters)

Adblock test (Why?)