Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết tùy từng thời gian, địa điểm, giá kit test dao động từ 300.000 đồng đến một triệu đồng mỗi bộ.
Tại họp báo công bố báo cáo kiểm toán chuyên đề về huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để phòng chống Covid-19 chiều 1/7, ông Lê Tùng Lâm, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3, đã chỉ ra một số vấn đề liên quan đến mua sắm sinh phẩm, hoá chất, kit test hai năm qua.
Theo đó, giai đoạn 2020-2021, các bộ, ngành địa phương được kiểm toán đã mua sắm sinh phẩm, hoá chất và 58,72 triệu kit test, sinh phẩm xét nghiệm PCR với tổng giá trị 7.973 tỷ đồng. Trong đó, một số đơn vị đã mua kit test từ Công ty cổ phần Việt Á với giá trị hơn 2.161 tỷ đồng bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian phân phối.
"Các đơn vị đã mua sắm các hàng hoá này với mức giá khác nhau, tuỳ thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất", ông Lâm nói và cho biết tùy từng thời gian, địa điểm, giá kit test dao động rất lớn, thấp nhất 300.000 đồng nhưng có nơi lên đến một triệu đồng một bộ.
Riêng Bộ Y tế và các đơn vị trực thuộc mua sắm sinh phẩm, kit xét nghiệm nhanh, PCR với giá trị hơn 617 tỷ đồng, gồm hơn 1,26 triệu kit test nhanh; 237.452 bộ kit test PCR với nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể, giá mua kit test nhanh dao động 47.000-220.500 đồng một bộ, giá mua bộ kit test PCR khoảng 126.042-653.571 đồng một bộ.
Theo ông, chi tiết sai phạm ra sao các cơ quan chức năng đang tiến hành xử lý. "Sai phạm chỉ mang tính chất cá nhân, còn thành tựu nói chung, ngành y tế và các đơn vị thực hiện tương đối tốt, giúp chúng ta kiểm soát được dịch bệnh", ông nói.
Ngoài ra, phía kiểm toán còn cho biết có lô kit test PCR tài trợ qua lấy mẫu thử nghiệm chưa bảo đảm chất lượng sử dụng; việc hạch toán, lập, quản lý, lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan như chứng từ phân bổ, kế hoạch xét nghiệm, phiếu nhập, xuất, danh sách cấp phát... chưa đầy đủ; kit test viện trợ hết hạn sử dụng phải tiêu hủy.
Một số đơn vị cũng chưa kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng kit test, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm như chưa thống kê, kiểm kê đầy đủ, chính xác số lượng nhập, xuất, tồn, còn chênh lệch số liệu giữa các bên liên quan. Các đơn vị theo dõi chủ yếu tại khoa cấp phát, chưa theo dõi được theo từng nguồn và số lượng thực dùng tại đơn vị sử dụng...
Bên cạnh đó, một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kit test, sinh phẩm xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả...
Do đó, ngày 8/4 và ngày 27/4 vừa qua, cơ quan Kiểm toán đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.
Nói thêm về vấn đề thu phí xét nghiệm nộp chưa rõ ràng, ai chịu trách nhiệm, ông Họa nói trong giai đoạn chống dịch, nhiều văn bản của Trung ương, Bộ Y tế ban hành còn chậm, chưa về đến địa phương thì các đơn vị ở dưới đã phải thu rồi. Trong khi đó, nhu cầu xét nghiệm rất lớn mà giá Bộ Y tế không ban hành liên tục được.
"Do vậy có thời điểm bị trống nên một số đơn vị thu vượt nhưng không cố ý làm trái. Ví dụ trước đó quy định thu 1 triệu đồng tiền xét nghiệm nhưng có khi có quy định nhà nước chỉ thu 800.000 đồng thôi, thời điểm 1-2 ngày trùng người ta thu vượt chứ không có chủ ý gì", ông nói.
Đức Minh