Cường quốc dầu mỏ vùng Tây Á nỗ lực thoát phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, hướng đến phát triển kinh tế đa dạng về giải trí, du lịch...
Hơn một tháng trở lại đây, Arab Saudi nằm trong nhóm nước được hưởng lợi từ cuộc chiến ở Ukraine khi giá nhiên liệu tăng cao. Ngoài ra, lợi ích về chính trị ngoại giao cũng rất lớn khi các nước phương Tây tìm cách thiết lập mối quan hệ tốt hơn với Riyadh. Tất cả đều xuất phát từ việc nước này có khả năng tăng sản lượng dầu nhanh chóng.
Tuy nhiên, tình trạng trên sẽ không kéo dài và người Arab Saudi biết điều đó.
Trong một buổi phỏng vấn gần đây trên kênh truyền hình Đức DW, một doanh nhân người Ả Rập đã ví von về quỹ đạo kinh tế của đất nước mình: "Ông tôi cưỡi lừa để làm việc. Sau đó bố tôi lái xe Mercedes đi làm. Giờ đây tôi lái chiếc Lamborghini. Nhưng con trai tôi thì sao? Nó có thể sẽ quay lại cưỡi lừa đi làm".
Dự báo của doanh nhân này đưa ra có cơ sở. Arab Saudi kiếm được 80% thu nhập xuất khẩu từ dầu mỏ, chiếm khoảng 40% GDP. Nhưng các nhà phân tích cho rằng với tốc độ khai thác hiện tại, trữ lượng dầu của nước này sẽ chỉ kéo dài thêm 60 năm. Một báo cáo vào năm 2020 của Viện Brookings chỉ ra trong trung hạn, doanh thu từ dầu mỏ dự kiến giảm do nhu cầu thế giới bắt đầu cắt từ khoảng năm 2040, hoặc có thể sớm hơn.
Điều này một phần do về lâu dài, phương Tây cố gắng từ bỏ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù có thể mang lại lợi ích cho Arab Saudi trước mắt, cuộc chiến ở Ukraine đang thực sự thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Ở châu Âu, đây được coi là cách để châu lục này bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp nhiên liệu hóa thạch như Nga và cả Arab Saudi.
Nhằm đối phó với kịch bản trên, chính phủ Arab Saudi cố gắng đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh của đất nước, thoát khỏi sự phụ thuộc dầu mỏ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ. Một chiến lược lớn của vương quốc Tây Á này có tên "Tầm nhìn 2030" được công bố vào năm 2016. Chiến lược tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, giải trí và du lịch. Trong đó, điểm nhấn là xây dựng Neom - một thành phố sinh thái khổng lồ lớn gấp 33 lần New York với một khu nghỉ mát trượt tuyết tên Trojena và những tòa nhà cao nhất trên thế giới...
Ngoài ra, nước này cũng hướng tới cải thiện điều kiện kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ công và tăng cường du lịch tôn giáo.
Gần đây, Arab Saudi đã có một số thành công. Vào tháng 5, nước này công bố xuất khẩu phi dầu mỏ đã tăng 29% trong 3 tháng đầu năm nay, đạt khoảng 21 tỷ USD. Thứ hạng trên Chỉ số phát triển du lịch và đi lại do Diễn đàn Kinh tế Thế giới thực hiện hai năm một lần cũng đã được cải thiện. So với năm 2019 khi đứng thứ 43 thế giới, Arab Saudi đã đứng thứ 33 vào năm 2021.
"Ở hầu hết quốc gia vùng Vịnh, nỗ lực đa dạng hóa kinh tế dường như đang tiến triển với tốc độ nhanh hơn những thập kỷ trước. Đặc biệt, Arab Saudi đã đạt được những bước tiến lớn", Nader Kabbani - chuyên gia về phát triển kinh tế của Hội đồng các vấn đề toàn cầu ở Trung Đông có trụ sở tại Qatar, khẳng định.
Trong ba thập kỷ qua, tỷ trọng thu nhập từ dầu mỏ trong GDP của nước này đã giảm xuống. Theo các nhà nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng dầu mỏ Hoàng gia Abdullah, tỷ lệ này đã giảm từ 65% vào năm 1991 xuống khoảng 42% vào năm 2019. Ngân hàng Thế giới dự đoán rằng các hoạt động phi dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 3,2% một năm trong vài năm tới.
Tuy nhiên, Manfred Stamer - nhà kinh tế cấp cao của công ty bảo hiểm tín dụng thương mại Allianz Trade, chuyên phân tích về khu vực Trung Đông, tin rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định "Tầm nhìn 2030" sẽ thành công như thế nào. Ông lưu ý, đó là một dự án kéo dài 14 năm và gần một nửa thời gian đó đã trôi qua.
"Trong 6 năm qua, tỷ lệ phần trăm thực tế mà dầu mỏ và các hoạt động kinh tế phi dầu mỏ trong GDP của Arab Saudi ít nhiều vẫn giữ nguyên. Vì vậy có thể nói rằng, ngay bây giờ, việc đạt được tất cả mục tiêu vào năm 2030 là không thực tế", Stamer kết luận.
Umud Shukri - một chuyên gia an ninh năng lượng tại Washington (Mỹ), cho biết thêm một số dự án hàng tỷ USD tham vọng hơn như thành phố Neom sẽ cần có sự đầu tư từ nước ngoài. "Arab Saudi có tiềm năng hoàn thành các dự án này. Giá dầu cao đang giúp tạo ra nguồn vốn nhưng họ cũng sẽ cần tài chính và công nghệ nước ngoài", ông lưu ý.
Tuy nhiên, uy tín quốc tế của Riyadh đã bị ảnh hưởng sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi gây xôn xao dư luận vào năm 2018 và cuộc chiến đang diễn ra ở Yemen. Giai đoạn 2016-2021, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Arab Saudi gần như giảm một nửa. Dòng tiền này bắt đầu tăng trở lại vào cuối năm ngoái nhưng vẫn chưa rõ liệu đây có phải xu hướng có thể tiếp diễn hay không.
Kabbani thuộc Hội đồng Trung Đông lập luận rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi các nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế thực sự có thể thành công. Theo ông, các công dân nước này vốn có cuộc sống và thu nhập được bảo đảm bằng dầu mỏ trong nhiều thập kỷ, giờ đây cần được cung cấp thông tin và chuẩn bị tốt hơn cho một tương lai phi dầu mỏ. Môi trường kinh doanh cũng cần được cải thiện, hạn chế các quyết định mang tính bất thường, ngẫu nhiên tùy thuộc vào quốc vương.
"Điều này sẽ yêu cầu dỡ bỏ các rào cản đối với sự phát triển của khu vực tư nhân và hỗ trợ sự xuất hiện của các ngành công nghiệp có thể tạo ra việc làm năng suất cao, trả lương cao", ông nói thêm.
Điều này là rất khó khi có nhiều hoạt động phi dầu mỏ của nước này thực sự được hỗ trợ bởi nguồn tiền làm ra từ dầu mỏ. Tháng 4 năm nay, chính phủ Arab Saudi tự hào công bố kế hoạch thành lập nhà máy sản xuất xe điện đầu tiên như một phần của tham vọng 30% tổng số ôtô ở thủ đô Riyadh thân thiện với môi trường vào năm 2030. Nhà máy sản xuất ôtô do công ty Lucid của Mỹ điều hành, dự kiến hoạt động vào năm 2026 và tạo ra hàng nghìn công việc "bề ngoài không liên quan đến dầu mỏ" cho người dân địa phương.
Tuy nhiên, nhà máy của Lucid cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào chính phủ Arab Saudi khi quốc gia này đã đồng ý mua tới 100.000 ôtô của họ. Ngoài ra, 61% cổ phần của Lucid nằm trong tay quỹ đầu tư của chính phủ Arab Saudi, quỹ này đang hoạt động rất tốt nhờ giá dầu tăng cao.
Tiểu Gu (theo DW)