UnionPay e dè các ngân hàng Nga

Hãng công nghệ thanh toán UnionPay của Trung Quốc đang "né" làm ăn với ngân hàng Nga vì e ngại dính vào các trừng phạt thứ cấp.

Ngay cả khi Trung Quốc tiếp tục từ chối tham gia lệnh trừng phạt của phương Tây, các công ty của nước này như China UnionPay vẫn lo ngại bị dính vào hệ thống trừng phạt.

Nhà cung cấp dịch vụ thẻ ngân hàng đã từ chối làm việc với Sberbank - ngân hàng lớn nhất của Nga - và dừng đàm phán với các tổ chức tài chính khác có tên trong danh sách trừng phạt của nước này. Do vậy, kế hoạch phát hành thẻ UnionPay mới đây tại Nga cũng buộc phải hủy bỏ.

Trong khi UnionPay chỉ chiếm khoảng 1% số thẻ ngân hàng được phát hành ở Nga tính đến năm 2020, nhu cầu về thẻ của họ tại thị trường này đã tăng lên sau khi Visa và Mastercard dừng các dịch vụ do khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, công ty không muốn tận dụng cơ hội để mở rộng.

Các thẻ do UnionPay phát hành. Ảnh: Reuters

Các thẻ do UnionPay phát hành. Ảnh: Reuters

Chính phủ Trung Quốc nhiều lần khẳng định hoạt động kinh tế và thương mại giữa nước này và Nga sẽ tiếp tục diễn ra bình thường, đồng thời chỉ trích các lệnh trừng phạt mà Mỹ, châu Âu và các nước khác áp đặt nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Trong một bài phát biểu vào tuần trước tại một diễn đàn, ông Tập Cận Bình phản đối việc "sử dụng bừa bãi các biện pháp trừng phạt đơn phương".

Hơn 80% công ty Trung Quốc ở Nga vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh như bình thường, theo thống kê của Đại học Yale (Mỹ). Điều này hoàn toàn trái ngược với Nhật Bản, Mỹ và Đức, với khoảng 90% doanh nghiệp đã rời đi, thu hẹp quy mô hoặc tạm ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp Trung Quốc vẫn có cách tiếp cận thận trọng hơn. Ngân hàng Trung Quốc và Ngân hàng Công thương Trung Quốc đã hạn chế tài trợ cho các mặt hàng của Nga.

"Mỹ đang tăng cường giám sát các tổ chức tài chính của Trung Quốc muốn thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở Nga", nguồn tin giấu tên từ giới chức nước này nói với Nikkei. Khi Washington giục Bắc Kinh ngừng hỗ trợ Moskva, họ đã phát tín hiệu cảnh cáo nguy cơ lãnh hậu quả kinh tế với các công ty vẫn hoạt động tại Nga.

Việc bị cắt khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT sẽ là điều đau đớn với các ngân hàng Trung Quốc. Gần 80% giao dịch xuyên biên giới trên thế giới được xử lý bằng USD hoặc euro, và chỉ 2% bằng nhân dân tệ. Vì vậy, khi cân đo lợi nhuận tiềm năng nếu tận dụng cơ hội mở rộng kinh doanh lúc này tại Nga so với nguy cơ bị trừng phạt, các công ty Trung Quốc thấy không đáng.

Ngay cả khi các ngân hàng Trung Quốc không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, họ vẫn có thể phải đối mặt với thiệt hại nặng nề trong trường hợp kinh tế hoặc tài chính bất ổn kéo dài ở Nga. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc lãnh đạo đã đóng băng mọi hoạt động liên quan đến Nga và Belarus vào đầu tháng 3, với lý do để "bảo vệ tính toàn vẹn tài chính" của tổ chức.

Ngoài lĩnh vực tài chính, nhà sản xuất máy bay không người lái DJI Technology cho biết đầu tuần rằng họ sẽ tạm dừng hoạt động kinh doanh ở Nga và Ukraine trong khi chờ đánh giá tuân thủ. Công ty đã đưa ra lo ngại về khả năng sản phẩm của họ sẽ bị lợi dụng cho mục đích quân sự.

Tập đoàn nhà nước Sinopec cũng được cho là đã đình chỉ các cuộc đàm phán với công ty hóa dầu Sibur của Nga về kế hoạch lập một liên doanh đầu tư lên tới 500 triệu USD vào một nhà máy hóa dầu mới.

Phiên An (theo Nikkei)

Adblock test (Why?)