Mỹ quy định lương tối thiểu giờ là 7,25 USD, Anh yêu cầu thấp nhất là 6 USD, trong khi Hàn Quốc chọn mức 8 USD.
Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), lương tối thiểu "là mức thù lao tối thiểu mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động với khối lượng công việc được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định". Mục đích của chính sách này là giúp người lao động không bị trả lương thấp một cách vô lý. Nó cũng sẽ đảm bảo công bằng khi phân chia thành quả và giúp người lao động có mức sống tối thiểu.
Hầu hết quốc gia trên thế giới có quy định về lương tối thiểu, theo giờ, ngày, tuần hoặc tháng. Tại Mỹ, mức lương tối thiểu giờ cấp liên bang hiện là 7,25 USD, có hiệu lực từ năm 2009. Sau đó, tùy từng bang, lương tối thiểu giờ lại được thiết lập ở các mức khác nhau.
Một số cao hơn hoặc bằng mức liên bang. Ví dụ, các bang Wasington, California và thủ đô Washington có lương giờ thuộc nhóm cao nhất Mỹ (trên 14 USD). Với các trường hợp thấp hơn, hoặc thậm chí không quy định lương tối thiểu, các chủ lao động trong phạm vi quản lý của Đạo luật Tiêu chuẩn Lao động Công bằng (FLSA) sẽ phải trả theo mức liên bang.
Một số bang có tần suất điều chỉnh lương giờ khá thường xuyên. Ví dụ, New York đã tăng con số này liên tục trong giai đoạn 2014-2022, với mức tăng trung bình 1 USD mỗi năm.
Lương tối thiểu từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi tại Mỹ. Năm 2012, bắt đầu từ các chuỗi đồ ăn nhanh, người lao động thuộc khắp các ngành nghề tại Mỹ khởi động chiến dịch biểu tình đòi lương tối thiểu giờ là 15 USD. Họ cho rằng đây là mức thấp nhất để tồn tại được ở các thành phố đắt đỏ của Mỹ. Việc tăng lương hiện càng cấp thiết trong bối cảnh người lao động vật lộn với suy thoái và lạm phát ở mức cao nhất nhiều thập kỷ.
Dù vậy, đến nay, nửa số bang tại Mỹ vẫn có lương tối thiểu dưới 10 USD. Năm 2019, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật tăng lương tối thiểu liên bang lên 15 USD năm 2025. Tuy nhiên, dự luật này đã bị Thượng viện bác bỏ. Tổng thống Mỹ Joe Biden năm ngoái ký duyệt một sắc lệnh cho phép tăng lương tối thiểu giờ lên 15 USD, nhưng chỉ áp dụng với các nhân viên liên bang.
Các doanh nghiệp Mỹ cũng sử dụng lương tối thiểu giờ. Đại gia bán lẻ Walmart năm ngoái tăng mức này lên 12 USD, từ 11 USD giữ nguyên suốt 3 năm. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn các đối thủ là Target và Amazon – đều là 15 USD.
McDonald’s năm ngoái nâng lương giờ cho nhân viên mới lên 11-17 USD và giám sát ca lên 15-20 USD, tùy khu vực. Trong khi đó, Starbucks năm 2021 cũng thông báo tăng lương tối thiểu tại Mỹ lên 15 USD một giờ, do thiếu lao động và chịu sức ép của công đoàn.
Tại Anh, lương tối thiểu cũng được quy định theo giờ và chia theo từng độ tuổi. Từ sau khi rời trường học đến dưới 18 tuổi là 4,81 bảng (6 USD). Thực tập cũng hưởng mức tương tự. Từ 18 đến 20 tuổi là 6,83 bảng. 21 đến 22 tuổi là 9,18 bảng và trên 23 tuổi là 9,5 bảng.
Các mức này tăng nhẹ so với năm 2021. Lương tối thiểu giờ tại Anh sẽ được điều chỉnh lại vào tháng 4 hàng năm.
Theo một chính sách do cựu Thủ tướng George Osborne đưa ra, lương tối thiểu tại Anh đã tăng rất nhanh trong giai đoạn 2015-2020. Việc này giúp tăng lương (cả gián tiếp và trực tiếp) cho hơn một phần ba lao động tại Anh, đồng thời kéo mức tăng lương lên trên lạm phát.
Tuy nhiên, Financial Times trích nghiên cứu công bố vài ngày trước của Low Pay Commission – tổ chức cố vấn về lương tối thiểu cho chính phủ Anh - cho biết mục tiêu ban đầu của giới chức khi tăng lương, là khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang mô hình tăng năng suất lao động, đã không thành công. Nghiên cứu của LPC không cho thấy có tác động tích cực nào lên các ngành nghề và khu vực từng có mức lương thấp. Nguyên nhân là việc tăng năng suất lao động đòi hỏi chi phí đầu tư đắt đỏ, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ phải giảm đầu tư để chi trả mức lương cao hơn.
Trong khi đó, ở châu Á, chỉ một vài nền kinh tế quy định lương tối thiểu giờ, như Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tại Hong Kong, lương tối thiểu giờ được đề xuất năm 2010 và được phê duyệt một năm sau đó. Hiện tại, mức này là 37,5 đôla Hong Kong (4,8 USD) một giờ, giữ nguyên từ năm 2019.
Tại Nhật Bản, năm ngoái, lương tối thiểu giờ trung bình cả nước tăng 3,1% lên 930 yen (8,46 USD). Đây là mức tăng kỷ lục tại nước này. Giới chức các tỉnh thành sau đó sẽ tự thiết lập mức cho khu vực của mình. Vì thế, lương tối thiểu cao nhất là tại Tokyo, với 1.041 yen một giờ. Trong khi đó, mức thấp nhất tại 7 tỉnh là 820 yen.
"Mức tăng này là cần thiết trong bối cảnh đại dịch", Tamayo Tomita - đại diện Rengo (Tổng công đoàn Nhật Bản) cho biết. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã cam kết nâng mức này lên ít nhất 1.000 yen để giúp các lao động thời vụ kiếm được nhiều hơn, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa họ và nhóm lao động thường xuyên.
Ở Hàn Quốc, lương tối thiểu cho năm 2022 được thiết lập từ tháng 7 năm ngoái, là 9.160 won (8 USD) một giờ, tăng 5% so với năm 2021. Con số này được Hội đồng Lương tối thiểu chọn ra. Cơ quan này có 27 thành viên, gồm cả người lao động, doanh nghiệp và người dân.
Dù vậy, mức mới này nhận về nhiều chỉ trích, vì cao hơn mức doanh nghiệp mong muốn và thấp hơn mức người lao động đề xuất. Việc đàm phán năm ngoái cũng kéo dài hàng tháng, do đại diện doanh nghiệp và người lao động bất đồng.
Phía người lao động muốn lương tối thiểu là 10.000 won "để đảm bảo cuộc sống cho lao động thu nhập thấp, trong bối cảnh khủng hoảng và nhiều nước đã nâng lương tối thiểu mạnh tay để vượt qua đại dịch", Tổng Công đoàn Hàn Quốc cho biết. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp cho rằng việc này sẽ đẩy các chủ doanh nghiệp nhỏ đến bờ vực phá sản và làm trầm trọng thêm khủng hoảng thất nghiệp.
Hà Thu